"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi/ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi/ Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi…". Những địa danh, những vùng đất mà đoàn quân Tây Tiến từng hành quân và chiến đấu hiện lên trữ tình trong bài "Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng - một chiến sĩ Trung đoàn 52 Tây Tiến.
Ân tình Mường Lát
Từ TP Thanh Hóa, chúng tôi mất nửa ngày ngược Quốc lộ 47, đường Hồ Chí Minh rồi Quốc lộ 15A mới đến Mường Lát. Thị trấn cách trung tâm tỉnh 300 km này nằm cheo leo trên đỉnh núi, phía dưới là dòng sông Mã gầm thét chở nặng phù sa. Theo một cán bộ huyện, sở dĩ mang tên Mường Lát do vùng này là xứ mường lớn nhất của người Thái, họ sinh sống dưới chân dãy núi Lát sừng sững bên dòng sông Mã.
Sông Mã cuộn đỏ bên núi Lát ở thị trấn Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa Ảnh: TUẤN MINH
Ở tuổi 87, ông Lương Văn Pém (ngụ bản Sim, xã Quang Chiểu) - 1 trong 2 thành viên còn lại của Đội du kích Tây Tiến năm xưa ở Mường Lát - vẫn nhớ như in những ngày sát cánh cùng đoàn quân Tây Tiến đánh Pháp.
Năm 1947, khi Trung đoàn 52 Tây Tiến về Mường Lát, Lương Văn Pém mới 17 tuổi, đã cùng 20 người nữa tham gia đội du kích. Ông được giao nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội, cất giấu muối, tiếp tế lương thực, đưa tin.
"Lúc mới về, bộ đội Tây Tiến không ở với dân bản mà cắm sâu trong rừng tránh sự càn quét của thực dân Pháp và đám tay sai. Dù vậy, bộ đội thường lui tới bản trò chuyện và dạy chữ cho đồng bào. Bà con ai cũng quý, cũng thương" - ông Pém kể.
Năm 1953, cục diện chiến trường vùng Tây Bắc thay đổi, thực dân Pháp rút quân khỏi Mường Lát, bộ đội Tây Tiến cũng rời đi. Ông Pém ở lại tiếp tục hoạt động cách mạng, được cử đi học rồi về giữ chức phó Công an xã Quang Chiểu, Chủ tịch xã, Phó Chủ tịch huyện, Phó Bí thư Huyện ủy Quan Hóa cho đến lúc về hưu.
Để ghi nhớ những hy sinh, đóng góp của người lính Tây Tiến ở Mường Lát, năm 2015, các ban liên lạc cựu binh Trung đoàn 52 Tây Tiến đã phối hợp với UBND huyện Mường Lát xây một bảo tháp nhỏ cao 10 tầng trong khuôn viên nhà văn hóa trung tâm huyện.
Dấu tích trên đỉnh Sài Khao
Cách huyện Mường Lát khoảng 30 km, bản Sài Khao núi non hiểm trở, mây mù quanh năm bao phủ. Bản không có điện, không sóng điện thoại, đường sá đi lại khó khăn nên gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Để ngược Sài Khao, một là đi bộ, hai là chạy xe máy trên những cung đường: một bên vực thẳm ngàn thước, một bên núi cao dựng đứng.
Những cung đường mòn từ bản Suối Lóng lên Sài Khao nhỏ đến nỗi chẳng khác gì những sợi chỉ vắt ngang sườn núi. Bản nhỏ bé, yên bình nằm dưới thung lũng với hơn chục nóc nhà thấp lè tè. Từ đỉnh Sài Khao có thể nhìn thấy đỉnh Pha Luông hùng vĩ như trong câu thơ: "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi".
Vùng đất này đến nay vẫn lưu giữ những dấu tích mà bộ đội Tây Tiến khi dừng chân, lập căn cứ đã để lại. Đó là những vườn bưởi trồng trên sườn núi, khu ruộng bậc thang và bờ đá kè suối. Những địa danh này trước đây thuộc bản Sài Khao, sau khi chia tách nay thuộc bản Trung Thắng, xã Mường Lý. Vườn bưởi ngày nay vẫn còn xanh tốt, được trồng rải rác ở một số vườn của người Mông. Phía dưới vườn bưởi là khu ruộng bậc thang rộng 1 ha, được bộ đội cùng người dân khai phá trồng lương thực. Giờ khu ruộng này là vựa lương thực của đồng bào Mông.
"Có lần đi làm rẫy, khi vào hang Dơi ven suối Cát Trắng tránh mưa, có người còn thấy bình toong để trên vách núi. Sau này, nhiều người lên Sài Khao hỏi chuyện Tây Tiến, bà con mới biết đó là một kỷ vật chiến tranh" - Trưởng bản Vàng A Lâu kể.
130 ngôi mộ vô danh
Một địa danh đoàn quân Tây Tiến đã sống, chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Pháp chính là thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Qua đèo Thung Khe, từ Quốc lộ 6 nhìn xuống, Mai Châu hiện ra với những mái nhà sàn thấp thoáng len trong làn sương bảng lảng. Nghĩa trang liệt sĩ ở thị trấn này đã quy tập hơn 130 ngôi mộ của chiến sĩ Tây Tiến. Tất cả bia mộ đều khuyết danh: không tên, không tuổi, không đơn vị. Đó là khoảng lặng rất lớn trong lòng những người đang sống.
Từ trung tâm huyện Mai Châu đi thêm 14 km sẽ đến Mường Hịch (nay là xã Mai Hịch). Nơi đây từng đặt trụ sở chỉ huy mặt trận, là nơi đóng quân, củng cố lực lượng của Trung đoàn 52 Tây Tiến trong thời kỳ đầu thành lập. Theo các cụ cao niên, Mường Hịch khi xưa bốn bề rừng rậm, lưa thưa vài chục nóc nhà. Cọp, beo về quấy nhiễu liên tục nên nhà nào cũng phải làm thật cao, cắm chông dày đặc xung quanh. Chính vì vậy mới có hình ảnh "Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người" trong bài "Tây Tiến".
Mường Hịch hôm nay đã bớt hoang vu và không còn cọp, cuộc sống yên bình của người dân nơi đây đổi thay từng ngày.
Kỳ tới: Những người lính hào hoa
Lưu giữ kỷ vật đoàn quân Tây Tiến
Khu Di tích Lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến được tôn tạo, khởi công xây dựng tháng 3-2015, trên khu đồi Nà Bó, thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Khu Di tích Lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến ở thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La Ảnh: VĂN DUẨN
Theo Hoàng Mạnh Duy, hướng dẫn viên của khu di tích, khu di tích được chia thành 3 khu vực: khu nhà đặt Văn bia tưởng niệm, khu hoài niệm thiết kế một đài vọng tưởng; nhà truyền thống lưu giữ các kỷ vật và tác phẩm nghệ thuật do người lính sáng tác trong những ngày chiến đấu ở vùng Tây Bắc.
Bình luận (0)