Theo kết quả phân tích gen của 22 mẫu phân do nhóm khảo sát của WWF và Vườn Quốc gia Cát Tiên (VQG) thu thập từ năm 2009 đến năm 2010 cho thấy tất cả các mẫu phân này đều thuộc về xác con tê giác được tìm thấy tại VQG vào tháng 4-2010.
Theo WWF, con tê giác cuối cùng này chết do bị bọn săn trộm bắn.
Bộ xương con tê giác phát hiện chết ngày 19-4 tại Vườn Quốc gia Cát Tiên Ảnh: WWF
Theo WWF, tê giác Java từng được coi là tuyệt chủng tại đất liền châu Á cho đến khi phát hiện một con tê giác bị săn bắn vào năm 1988 tại khu vực Cát Tiên. Vào những năm 1990, một số tổ chức đã tham gia vào công tác bảo tồn quần thể tê giác Java còn lại ở VQG.
Bà Trần Minh Hiền, Giám đốc WWF-Việt Nam, nhận định việc mất sinh cảnh sống là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của tê giác Java tại Việt Nam.
“Thật đau lòng khi mà những nỗ lực bảo tồn đã không bảo vệ được loài Tê giác Java này. Chúng ta đã đánh mất vĩnh viễn một phần di sản của thiên nhiên, một biểu trưng của giá trị đa dạng sinh học tại Việt Nam” - bà Hiền bày tỏ.
Đáng ngại hơn, theo bà Hiền, thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, sẽ còn tác động mạnh, thậm chí xóa sổ các loại quý hiếm khác còn lại của VQG như bò tót, voi…
Bình luận (0)