Trước đó, từ tháng 3- 2013, Công an TP HCM có kế hoạch phối hợp với Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (trung tâm) phòng ngừa, đấu tranh chống tệ nạn trên xe buýt. Ngoài ra, các doanh nghiệp (DN), HTX xe buýt cũng cử đội kiểm tra ngầm và tập huấn cách đối phó với những kẻ móc túi.
Nhiều tài xế, tiếp viên tham gia hiến kế: “Người dân phải hợp sức chống kẻ gian khi phát hiện vụ việc, nếu để đơn lẻ một người đứng ra tố giác, hiệu quả không cao vì họ sợ trả thù”.
Phải trừng trị nghiêm
Ông Vũ Thanh Tùng - nhân viên quản lý an toàn giao thông, an ninh các tuyến 18, 19, 20 (Liên hiệp HTX Vận tải TP) - cho biết tuyến 19 và số 8 hầu như lúc nào cũng xuất hiện nhiều nhóm móc túi, có cả nam và nữ. Đặc biệt, bọn chúng còn mặc áo giống màu áo của tiếp viên, tạo sự nhầm lẫn cho hành khách khi bị móc túi khiến tiếp viên rất bức xúc. Hầu hết lái xe, tiếp viên đã nhẵn mặt nhưng không thể từ chối chở và cảnh báo hành khách bởi nhiều trường hợp bị trả thù, hăm dọa.
“Đơn cử như trường hợp anh Lý Trường Duy, khi phối hợp với trung tâm để soát vé và kiểm tra nạn móc túi trên tuyến xe buýt 19, đã bị chúng dùng mã tấu chém khiến bàn tay trái suýt đứt lìa, thương tật 31%. Hiện nay, anh Duy không còn làm công việc kiểm soát vé như trước” - ông Tùng dẫn chứng.
Không chỉ bị chém gây thương tích, nhiều tài xế, tiếp viên còn bị hăm dọa, chọi đá bể kính xe mỗi khi có hành động chống bọn móc túi. Tài xế Tr.V.L, lái xe tuyến 19, bức xúc: “Có hành khách trên xe tôi bắt tận tay nhưng khi khám người lại không tìm được điện thoại vì chúng đã chuyền tay nhau hoặc quăng xuống sàn. Khi đó, bọn chúng đã quay lại đánh hành khách” - anh L. kể.
Theo tài xế L., anh đã đề xuất tất cả các tuyến xe có nạn móc túi, HTX nên dán đề can “Cảnh giác móc túi” ngay cửa ra vào để tránh tình trạng một xe dán thì bị trả thù.
Tài xế N.V.T, chạy các tuyến 6, 8 và 56, cho biết các tài xế, tiếp viên sẵn sàng hỗ trợ công an bắt bọn móc túi nếu trừng trị chúng đến nơi đến chốn. “Không hiểu sao, có tên móc túi bị bắt hôm trước, hôm sau được thả ra, chúng lại nghênh ngang đón xe đi và cười cợt chúng tôi” - anh T. ngán ngẩm.
Gắn camera trên cả 22 tuyến
Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải TP, cho biết tháng 6-2014, liên hiệp đã có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và trung tâm báo cáo thực trạng trên và nhận định “kẻ gian móc túi trên xe buýt hiện nay nhiều hơn, nguy hiểm hơn và tinh vi hơn”, đã có ít nhất 3 tiếp viên bị đánh trên xe buýt khi phát hiện kẻ gian lấy tài sản của khách.
Trong đó, những tuyến chủ đạo của liên hiệp (chiếm 80% sản lượng trên tuyến), nạn móc túi rầm rộ, đáng báo động gồm: 8, 19, 30, 104, 18, 6, 55, 53, 10. Vì vậy, nếu tình trạng này kéo dài thì sản lượng khách sẽ sụt giảm đáng kể.
Theo ông Hải, cần tăng cường giám sát an ninh trên xe buýt thông qua lực lượng an ninh có chuyên môn, nghiệp vụ. Bản thân các HTX thuộc liên hiệp cũng có lực lượng kiểm tra ngầm nhưng không chuyên môn, không công cụ hỗ trợ, chỉ ghi nhận và thông báo cho công an nên hiệu quả không cao. Ngoài ra, mỗi tháng liên hiệp tự tổ chức các đợt tập huấn cách đối phó, giới thiệu kinh nghiệm chống nạn móc túi nhưng chỉ là giải pháp tình huống.
“Ngoài móc túi, việc mất an ninh tại các trạm dừng do con nghiện hoành hành khiến xe buýt mất khách nhiều năm nay nhưng chưa có cách giải quyết” - ông Hải lo lắng.
Ông Nguyễn Hồ Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn (Sài Gòn Bus), cho biết đơn vị đã gắn camera trên cả 22 tuyến (khoảng 400 xe buýt) nhưng chỉ giúp giám sát lộ trình, tốc độ, hành vi của tài xế, tiếp viên chứ khó giám sát hành vi của bọn móc túi bởi chúng lợi dụng lúc khách chen lấn để ra tay.
Theo đại diện trung tâm, đơn vị này vẫn phối hợp với Công an TP HCM phòng chống bọn móc túi. Trước mắt, 2 đơn vị đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền tại các HTX về phương thức, thủ đoạn, cách nhận biết và phòng ngừa đối tượng móc túi. “Sở GTVT đang trình UBND TP về việc thí điểm hợp đồng thuê lực lượng TNXP làm tiếp viên soát vé và hỗ trợ an ninh trên tuyến xe buýt 152 (khoảng 10 xe) do Sài Gòn Bus quản lý.
Ngoài việc giúp cơ quan nhà nước kiểm soát doanh thu thực tế của tuyến xe buýt thông qua một đơn vị kiểm vé độc lập, còn giúp hỗ trợ an ninh, chống kẻ gian móc túi trên xe” - ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT, nói.
Phát hiện móc túi, gọi 0937.771.706
Ngoài đường dây nóng cung cấp cho các HTX, DN như trên, trong đề cương tuyên truyền của Công an TP HCM gửi các HTX, DN hướng dẫn cách nhận biết, phương thức thủ đoạn của bọn móc túi như sau:
- Đối tượng thường ăn mặc như khách thường nhưng cầm theo áo khoác hoặc túi xách trên tay, đeo khẩu trang che mặt. Hành vi trộm cắp diễn ra khi xe đông khách, chen lấn tại cửa lên, cửa xuống, tuy còn ghế nhưng đối tượng không ngồi. Đối tượng hoạt động theo nhóm, vừa đi trên xe vừa có xe máy chạy theo cảnh giới, giúp đồng bọn tẩu thoát.
- Cách phòng ngừa: Hành khách nâng cao ý thức cảnh giác khi xe đông khách, trung tâm chủ động gắn loa, camera tuyên truyền cho hành khách và giúp phục vụ công tác điều tra.
Bình luận (0)