xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tết nhạt nơi rừng ven biển

Bài và ảnh: DUY NHÂN

(NLĐO) - Tết với cư dân sống trong vùng rừng ven biển tỉnh Bạc Liêu là một điều gì đó rất đỗi xa xăm, mơ hồ

Rừng phòng hộ Bạc Liêu những ngày giáp Tết. Dù cách thành phố không xa nhưng không khí xuân dường như chẳng đến được nơi này. Những xóm “mồ côi” giữa rừng vẫn vắng vẻ như thường lệ vì nhà nào cũng huy động hết sức người để vào rừng, ra biển mưu sinh.

Xóm Mương Bảy đìu hiu trước Tết

Xóm Mương Bảy đìu hiu trước Tết

Dửng dưng với Tết

Hơn 20 nóc nhà lụp xụp bám theo bờ kênh Mương Bảy (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) chỉ còn lại vài đứa trẻ, phụ nữ và người già. Rừng đã thay lá xanh um nhưng nhà cửa ở đây thì vẫn tồi tàn, cũ nát. “Cả xóm người ta ra biển gần hết rồi! Tôi bệnh cả tháng nay nên còn ở nhà” - ông Tô Văn Chiến (65 tuổi) nói.

 

Những đứa trẻ ở trong rừng không bận tâm đến quần áo mới mừng xuân

Những đứa trẻ ở trong rừng không bận tâm đến quần áo mới mừng xuân

Nhà của ông Chiến được làm bằng cây lá địa phương, nền đất nhưng đã là ngôi nhà tươm tất nhất trong xóm. Nhiều ngôi nhà khác rách bươm, được chắp vá, che chắn bằng bạt cao su cũ và cả áo mưa rách... Tết đến sát vách nhưng dường như không thấy ai sửa sang, trang trí nhà cửa. Từ đầu đến cuối xóm tuyệt nhiên không có lấy một cành mai.

Bà Lê Thị Anh (vợ ông Chiến), đang phơi củi bên hông nhà cũng ngừng tay vào nhà tiếp chuyện. Tôi buột miệng: “Bà chuẩn bị nhiều củi thế để Tết nấu bánh tét à?”. Bà cười hiền: “Làm gì có chuyện bánh mứt ở xóm này. Gạo còn phải chạy ăn từng lon, lấy gì mà tết”.

Đôi khi được mẹ cho tiền mua que kem là những đứa trẻ trong rừng đã rất vui

Đôi khi được mẹ cho tiền mua que kem là những đứa trẻ trong rừng đã rất vui

Do ở đây phải xài điện chia với một công ty nuôi tôm công nghiệp, giá 4.500 đồng/KW nên mọi nhà chỉ dám thắp bóng đèn. Tết năm ngoái, người con trai út của bà Anh đi làm thuê ở Cà Mau mua về tặng một nồi cơm điện. Đến nay, bà vẫn chưa dám xài vì sợ không trả nổi tiền điện.

Thấy nhà ông Chiến có khách lạ, nhiều người phụ nữ và trẻ em trong xóm cũng kéo đến xem. Ai cũng xúm xít “khoe” con mình tết này… không có áo mới. Điều lạ là tất cả đều vui vẻ cười đùa, không có chút băn khoăn. “Ở đây là vậy đó. Tất cả đều nghèo. Một đứa không có áo mới thì cả xóm cũng không. Giống như cha mẹ chúng từ lúc mở mắt chào đời đã thấy quanh mình là rừng và biển, lớn lên chút nữa thì lặn lội kiếm ăn, cả chuyện học hành cũng xếp xó nới góc rừng, nên chẳng phải bận tâm việc chúng so bì với những đứa trẻ bên ngoài” - chị Hà Kim Nhanh có 3 con nhỏ, hồn nhiên nói.

Chỉ nghỉ ngày mùng 1

Ngoài Xóm Mương Bảy này, suốt dọc dải rừng phòng hộ hơn 5.000 ha ven biển Bạc Liêu hiện có gần 900 hộ với khoảng 2.500 nhân khẩu. Tất cả đều lặn ngụp ngoài bãi biển để kiếm ăn hàng ngày. Nói về cuộc mưu sinh chật vật nơi đây, nhiều người ví von rằng khi nào cái quần ướt là no còn quần khô là đói. Bởi họ sống phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, vào những sản vật ven biển với cách khai thác chủ yếu là xắn quần lội xuống biển và mò bằng tay không.

Xóm Mương Bảy được xem là cái xóm lâu đời nhất ở rừng phòng hộ Bạc Liêu. Gia đình ông Chiến là gia đình đầu tiên có mặt ở xóm này cách đây khoảng 25 năm. “Chúng tôi chưa bao giờ có được một cái Tết đúng nghĩa. Chỉ duy nhất ngày mùng 1 Tết, người dân không ra biển, còn lại đều phải ra biển kiếm ăn, nghỉ hơn một ngày là coi như đói!” - ông Chiến phân trần.

Ông còn nhớ trước Tết Quý Tỵ năm 2013, xóm này được một đoàn hảo tâm ở TP HCM ghé thăm, cho mỗi nhà một suất quà gồm: gạo, bánh mứt và ít tiền. Đó cũng là năm duy nhất bà con Xóm Mương Bảy có được cái tết ấm cúng.

Gần 12 giờ, cái nắng nóng dần xua tan không khí se lạnh của những ngày đầu xuân. Nhìn từ ngoài mé biển, vài bóng người lam lũ đang trở về nhà tránh nắng. Bà Nguyễn Thị Hạnh (ngụ xóm Mương Bốn, cách Mương Bảy một dãy rừng) đang mang vào “chiến lợi phẩm” sau một ngày ngụp lặn ngoài biển là 1 kg hải quỳ.

“Dân nghèo đổ xô về ngày càng đông, riết rồi ốc len, ba khía cũng sản sinh không kịp để bắt. Bây giờ chủ yếu ra bãi biển đào hải quỳ nên chỉ có người khỏe mạnh mới làm nổi. Người nào giỏi lắm thì đi một buổi kiếm được 1 kg, bán được khoảng 30.000 - 40.000 đồng, đủ sống qua 1 ngày” - bà Hạnh cho biết.

Đi cùng bà Hạnh là người con gái tên Nguyễn Tố Linh, năm nay đã 15 tuổi nhưng dáng dấp chỉ ngang đứa trẻ lên 10. Bộ quần áo lem luốc bùn đất, khuôn mặt xanh xao mướt mồ hôi. Em bảo đã theo mẹ lội rừng, xuống kênh mò cua bắt ốc từ năm 7 tuổi và kể từ đó đến nay, em chưa từng bước chân ra khỏi rừng.

Chưa có kinh phí đưa dân ra khỏi rừng

Trước sức ép làn sóng dân nghèo đổ dồn ngày càng đông về khu rừng phòng hộ, tháng 3-2013, UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt dự án đồng thời có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét, giải quyết “Về việc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng dự án khu dân cư, tái định cư rừng phòng hộ tỉnh Bạc Liêu”, tổng vốn dự kiến khoảng 388 tỉ đồng.

Theo đó, hơn 870 hộ dân đang sống trong khu vực rừng phòng hộ sẽ được cấp mỗi hộ 500 m2 đất ở và đất sản xuất cùng một căn hộ trị giá 50 triệu đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cũng chưa dám khẳng định dự án này bao giờ mới thực hiện được vì vẫn còn chờ kinh phí.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo