xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tết ở chiến trường

LÊ THANH HOÀNG

Mỗi độ Xuân về, đầm ấm đón Tết bên gia đình với những người thân yêu, tôi lại hay nhớ đến cái Tết đầu tiên ở chiến trường K (Campuchia) khốc liệt, lăn lóc dưới giao thông hào nồng mùi thuốc súng, trong lằn ranh sinh tử phận người. Đã gần 30 năm rời chiến trường K nhưng những cái Tết sặc mùi thuốc súng ấy vẫn đi theo tôi trong cuộc đời.

Người ta bảo “vui như Tết” nhưng lứa chúng tôi, những người lính làm nghĩa vụ quốc tế nơi đất nước Angkor - Campuchia, lại “sợ” không khí của những ngày cuối năm. “Sợ” cả ba ngày Tết - những ngày tràn ngập nỗi nhớ quê hương, gia đình và bạn bè!

Mùa Xuân Ất Sửu 1985, Mặt trận 479 mở chiến dịch “Mùa khô 84-85” truy quét, tấn công căn cứ lớn nhất của Pol Pot - Ieng Sary tại cứ điểm Cao Mê Lai, biên giới Campuchia - Thái Lan. Đơn vị tôi là một tiểu đoàn trực thuộc Sư đoàn Bộ binh 309, nơi đóng quân hoàn toàn độc lập, cách xa các đơn vị bạn 5-10 km đường rừng. Đơn vị tôi có 3/4 quân số tham gia chiến dịch ấy cùng sư đoàn, số ít ở lại “giữ cứ” do sức khỏe yếu, gần xong nghĩa vụ hoặc bệnh binh. Tôi nằm trong số “giữ cứ”.

Cuối năm 1984, cả đơn vị ai nấy đều háo hức chuẩn bị quân tư trang, súng đạn để tham gia chiến dịch, vì đi chiến đấu có đồng đội đông vui. Người ở nhà buồn bã và lo lắng cho những ngày giáp Tết sắp đến. Đại đội tôi đảm nhiệm canh gác một hướng đóng quân của tiểu đoàn theo hình vòng cung rộng hơn 1 km mà chỉ còn có 12 người, do anh Triển, người Nam Đàn - Nghệ An, trung úy đại đội phó, chỉ huy.

Những đêm gần Tết, tiết trời lạnh, 12 người chia làm 3 tổ để gác mỗi tối. Buổi giao ban đêm đầu tiên của những người “giữ cứ”, trung úy Triển phân công mỗi người mang súng đạn đi tuần tra 1 giờ quanh đơn vị; mỗi người chọn một cái hầm kèo theo giao thông hào để ngủ và mật khẩu liên lạc cho từng đêm khi tuần tra. Mỗi hầm cách nhau khoảng 50 m.

 


Tác giả về viếng và hát bên mộ đồng đội ở nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (Tây Ninh)

Tác giả về viếng và hát bên mộ đồng đội ở nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (Tây Ninh)

Trong cái khó ló cái khôn. Anh em tổ tôi thống nhất: Cùng nhau 4 đứa ngủ chung một hầm (1 gác, 3 ngủ) nhưng sau 2 giờ là... dậy hết, chuyển sang hầm khác, thay phiên gác và ngủ tiếp! Cái chính là vui và bớt lo khi ngồi gác có 3 anh em ngủ ngay sau lưng và sẽ được chiến đấu bên nhau nếu có địch tấn công. Đơn vị chỉ nhà tranh cây rừng, kho lương thực vài tấn gạo và một ít súng đạn thì đã đem ra hết các hầm dọc giao thông hào.

Dưới một căn hầm kèo lớn nhất, bọn tôi cũng lập bàn thờ gia tiên, đất trời. Một thùng đạn gỗ kê sát vách hầm làm bàn, một vỏ lon thịt hộp làm  bát nhang và vài cánh hoa dại ngắt vội khi tuần tra. Chúng tôi bày biện bánh mứt, thuốc lá, hạt dưa - tiêu chuẩn Tết trong nước gửi sang... để đón năm mới trong căn hầm.

Giờ giao thừa, một tay xách súng, một tay đốt nhang, chúng tôi cúi đầu nguyện ước những điều thầm kín. Tôi ước ông bà, cha mẹ khỏe mạnh, mình còn lành lặn trở về và sau này có cơm ăn áo mặc. Ly rượu gạo - được cất giữ từ những chuyến gửi nuôi quân đi chợ mua giùm - chuyền tay nhau uống mừng năm mới mà 4 anh em nước mắt nhạt nhòa. Nước mắt nhớ thương gia đình, cám cảnh thân phận người lính giữa rừng khuya; nước mắt cho cuộc chiến không biết bao giờ kết thúc và cho việc sống chết.

Buổi giao ban cuối năm ấy có ấm trà và mứt bánh. Chúng tôi cùng ngồi đón nghe chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc trên chiếc radio VEF26 chiến lợi phẩm. Giờ khắc đó, khi nghe phát thanh viên xướng câu “chương trình đặc biệt phát thanh dành cho đồng bào ở xa Tổ quốc đêm giao thừa” là ai nấy rơm rớm nước mắt. Giây phút đó, tôi căm ghét chiến tranh. Vì nó mà tôi phải xa gia đình, xa làng quê, Tổ quốc của mình để đến một nơi chỉ có súng đạn và chết chóc hằng ngày. Thế nhưng, khi nghĩ đến những cuộc tàn sát dã man đồng bào mình dọc theo biên giới năm 1978-1979 của bọn diệt chủng là lòng chúng tôi lại sục sôi căm thù!

Những ngày Tết, chúng tôi mong... địch đến đánh! Nghe có vẻ phi lý nhưng là sự thật. Chúng tôi muốn được nổ súng để thay tiếng pháo mừng năm mới và xua tan không khí ảm đạm, thương nhớ quê hương! Khổ nỗi, lệnh trên cấm nổ súng khi không có địch.

Chiều mùng 1 Tết, tổ chúng tôi đi tuần tra vòng quanh đơn vị như thường lệ, chờ đến 19 giờ là rút vô giao thông hào. Ngày đầu năm, nghĩ đến gia đình nơi phương xa, cả 4 anh em lầm lũi đi không nói lời nào. Giờ phút ấy, chúng tôi đều muốn giáp mặt với địch để được nổ súng. Sự cô đơn có thể làm cho người ta nổ tung!

Đêm ấy địch không đến đơn vị tôi nhưng đã đánh vào một trung đội chốt ở ngôi chùa ngoài phum Ta-kha-rim. Súng các loại nổ ran, sáng rực một góc trời đêm. Sáng ra, tôi mới biết địch đốt toàn bộ nhà trại, giết heo... Do lực lượng quá mỏng nên bên ta đành chịu trận và có thương vong. Chúng tôi dù ít người cũng kéo quân ra chân đồi nằm phục với hy vọng đón lõng khi địch rút quân về hướng này nhưng “vận may” không tới...

Trải qua cuộc chiến 10 năm (1979-1989) nơi chiến trường K, biết bao đồng đội tôi đã không may mắn bỏ mình. Có những người lính đã hy sinh ngay trong đêm giao thừa; có những đàn anh đã hoàn thành nghĩa vụ, trên đường tập kết tới sư đoàn để lên xe về nước cũng bị địch tập kích, đạp mìn thương vong...

Bài viết này xin như một nén nhang được thắp lên trong những ngày giáp Tết, dành tặng những đồng đội một thời của tôi đã xa.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo