Tại buổi họp báo ngày 7-1, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Phạm Công Tạc nhấn mạnh những vụ mất nguồn phóng xạ xảy ra ở TP HCM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gần đây nhất là tỉnh Bắc Kạn, đang gây bất an trong xã hội.
Không kiểm tra thường xuyên
Về sự cố mất nguồn phóng xạ Cs-137 tại Công ty CP Xi măng Bắc Kạn DATC (tỉnh Bắc Kạn), Cục trưởng Cục An toàn và Bức xạ hạt nhân Vương Hữu Tấn cho biết Sở KH-CN tỉnh Bắc Kạn thông báo vào ngày 26-12-2015 nhưng không rõ mất khi nào và đến nay vẫn chưa tìm được.
Cũng theo ông Tấn, giấy phép sử dụng nguồn phóng xạ được Cục An toàn và Bức xạ hạt nhân cấp cho cơ sở này từ năm 2010, hết hạn ngày 31-8-2013 và cục đã yêu cầu xin giấy phép lưu giữ song đơn vị không xin cấp lại, lưu giữ không có giấy phép. Cục nhắc nhở và Sở KH-CN đã kiểm tra, gần nhất là vào ngày 15-5-2015, yêu cầu quản lý nguồn phóng xạ chặt chẽ song do công ty phá sản, tài sản bị ngân hàng quản lý nhưng không nắm rõ quy định quản lý nguồn phóng xạ nên đã dẫn đến sự cố trên.
Theo Cục An toàn và Bức xạ hạt nhân, hiện nước ta có hơn 4.000 nguồn phóng xạ các loại, trong đó có loại đã qua sử dụng và đang sử dụng, có thể gây chết người khi tiếp xúc... Đáng chú ý là các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng đang lưu giữ tại các cơ sở trong điều kiện không bảo đảm và không được thanh tra, kiểm tra thường xuyên.
“Hiện chưa thực hiện đầy đủ thanh tra theo quy định đối với hàng ngàn cơ sở có nguồn phóng xạ do không đủ lực lượng” - ông Tấn nói và cho biết thiết bị giám sát an ninh theo quy định chỉ lắp ở các nguồn phóng xạ lớn, khi tiếp xúc có thể gây chết người ngay như thiết bị mất ở TP HCM vào tháng 9-2014. Hiện ở Việt Nam có khoảng 600 nguồn phóng xạ sẽ được gắn thiết bị giám sát.
Chuyển Bộ Quốc phòng quản lý
Hiện nay, nguồn phóng xạ sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp ngày càng lớn và được sử dụng ở rất nhiều dây chuyền sản xuất, từ sữa, kẹo, đường cho đến xi măng… nên công tác quản lý ngày càng khó khăn.
Nhiều nước trên thế giới có cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ tập trung. Ông Tấn cho biết các nguồn phóng xạ qua sử dụng chỉ được lưu giữ tạm thời ở cơ sở 3 năm, sau đó phải vào kho lưu trữ tập trung song chúng ta chưa có kho lưu trữ tập trung. “Giao cho một số cơ sở nhỏ lẻ như Viện Khoa học Kỹ thuật hạt nhân cũng không hợp lý vì cơ sở nằm ở thành phố lớn” - ông Tấn nói. Chưa có kho tập trung nên Cục An toàn và Bức xạ hạt nhân đã yêu cầu các cơ sở, trong đó có Công ty CP Xi măng Bắc Kạn DATC, liên hệ với Viện Khoa học Kỹ thuật hạt nhân để giúp lưu trữ tạm thời nhưng công ty này không thực hiện.
Trong quá trình thanh tra ở Bộ Tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc phòng), Cục An toàn và Bức xạ hạt nhân thấy các nguồn phóng xạ được bảo quản tốt, được kiểm đếm nghiêm chỉnh hằng ngày nên kiến nghị Ủy ban An toàn hạt nhân quốc gia giao Bộ Quốc phòng quản lý các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Bộ KH-CN đã có công văn gửi Bộ Quốc phòng và sắp tới hai bên làm việc trực tiếp, cố gắng trong năm 2016 sẽ thu gom hết các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng từ các cơ sở, tập trung về một đầu mối quản lý. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý, yêu cầu Bộ Tư lệnh Hóa học phối hợp Cục An toàn và Bức xạ hạt nhân nâng cấp các kho nguồn của khu vực, giúp lưu giữ các nguồn phóng xạ hạt nhân đã qua sử dụng, bảo đảm an toàn hạt nhân.
Quản lý qua phần mềm
Đối với việc lắp đặt các thiết bị giám sát an ninh hạt nhân quốc gia cho 600 nguồn phóng xạ lớn, có thể gây chết người, ông Vương Hữu Tấn cho biết Việt Nam có 3 cơ sở có thể chế tạo thiết bị giám sát. Các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ sẽ phải làm việc trực tiếp với đơn vị chế tạo và lắp đặt thiết bị giám sát, còn Cục An toàn và Bức xạ hạt nhân sẽ quản lý qua phần mềm. Khi có tín hiệu mất an ninh phóng xạ, các đơn vị này sẽ báo cho cơ sở để xử lý, không xử lý được thì báo cho Cục An toàn và Bức xạ hạt nhân. Dự kiến, từ ngày 1-4, tất cả thiết bị này sẽ được lắp đặt hệ thống giám sát an toàn an ninh phóng xạ.
Bình luận (0)