>>> Xem tất cả
. Phóng viên: Thưa ông, vụ phóng viên Trần Thế Dũng của Báo Người Lao Động bị hành hung đã không được xử lý nghiêm, quan điểm của ông thế nào?
- Ông Nguyễn Thế Kỷ: Tôi rất lo ngại về việc phóng viên Trần Thế Dũng bị hành hung và kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn nhất quán và rõ ràng về việc tạo điều kiện cho nhà báo đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực.
Đối với vụ việc của phóng viên Trần Thế Dũng, các cơ quan quản lý rất bất bình và phản đối một số cá nhân, cơ quan chức năng huyện Cao Lộc đã chưa làm hết trách nhiệm. Cơ quan CSĐT Công an huyện Cao Lộc chưa thấy được rằng các đối tượng không chỉ tấn công nhà báo mà sự tấn công này là thách thức pháp luật, công luận và có thể tạo tiền lệ xấu.
. Trước vụ việc có dấu hiệu bị “chìm xuồng”, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có hành động gì?
- Ngày 5-4, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn đề nghị xem xét nghiêm túc kết quả điều tra và xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Việc phóng viên bị cản trở, tấn công trong khi tác nghiệp đã liên tục xảy ra trong vài năm trở lại đây. Tình trạng này cần phải nhìn một cách tổng thể, nghiêm túc để tập trung giải quyết, xử lý đến cùng. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng phải hiểu rõ quan điểm này.
. Cho rằng nhà báo trong khi tác nghiệp không được xem là thi hành công vụ nên nhiều vụ hành hung nhà báo đã không được xử lý triệt để, quan điểm của ông thế nào?
- Một nhà báo khi đi làm nhiệm vụ do cơ quan giao không phải chỉ phục vụ cho lợi ích của cơ quan báo chí đó mà còn phục vụ cho lợi ích của xã hội, đó là đẩy lùi tiêu cực... Người làm báo có trách nhiệm này nên công việc của họ là thi hành công vụ. Phóng viên Trần Thế Dũng bị tấn công khi đang thi hành công vụ chứ không phải làm việc cá nhân.
Không nên suy diễn từ ngữ một cách máy móc và đánh tráo khái niệm rồi để hiểu rằng nhà báo khi tác nghiệp không phải là thi hành công vụ. Nếu cứ hiểu như thế thì không thể khuyến khích, động viên nhà báo đi vào nơi hiểm nguy, nơi bọn tội phạm hoành hành.
Vấn đề ở đây là do sự nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận những người có trách nhiệm xử lý vụ phóng viên Trần Thế Dũng bị hành hung. Thậm chí, không loại trừ một số người đã bị tác động nào đó, kể cả tác động của kẻ xấu. Bên cạnh đó, cấp trên của những cá nhân, tổ chức này chỉ đạo chưa kiên quyết, chưa rõ ràng, chưa nghiêm túc.
Phóng viên Thế Dũng trong một lần tác nghiệp để viết điều tra về than thổ phỉ ở Quảng Ninh. Ảnh: BẢO TRÂN
. Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin - Truyền thông đã có văn bản gửi tỉnh Lạng Sơn đề nghị làm rõ vụ việc. Tới đây, các ban, ngành chức năng của Trung ương sẽ vẫn tiếp theo đuổi vụ việc đến cùng?
- Sau khi Ban Tuyên giáo Trung ương có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn, chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi cách giải quyết của tỉnh Lạng Sơn. Rất mong Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh và kịp thời.
Triệu tập bị hại Trần Thế Dũng Ngày 6-4, Báo Người Lao Động nhận được công văn của Cơ quan CSĐT Công an huyện Cao Lộc cho biết đã nhận được đơn khiếu nại của bị hại Trần Thế Dũng – phóng viên Báo Người Lao Động - về việc không khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại khu Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, tối 6-1-2010. Do yêu cầu của công tác điều tra, bảo đảm xác minh kết luận được chính xác, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cao Lộc triệu tập bị hại Trần Thế Dũng đến làm việc vào ngày 7-4. B.Trân |
Bình luận (0)