Ngày 18-3, VKSND tỉnh Quảng Bình có bản kháng nghị phúc thẩm yêu cầu TAND tỉnh Quảng Bình xét xử vụ án bị cáo Phan Thị Giang - SN 1975; nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngân Thủy (xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) và bị cáo Nguyễn Thị Xiêm (SN 1959; nguyên kế toán trường này) về tội “Tham ô tài sản” và không cho hưởng án treo.
Ăn chặn đủ đường
Theo cáo trạng của VKSND huyện Lệ Thủy, chỉ trong vòng 2 năm 2013 và 2014, bà Phan Thị Giang và bà Nguyễn Thị Xiêm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt nhiều khoản tiền của cán bộ, giáo viên công tác tại trường như: trợ cấp thu hút, phụ cấp ưu đãi, lương, phụ cấp lâu năm, chế độ thai sản và tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp… Không những vậy, 2 đối tượng này còn lập khống chứng từ thanh toán tiền làm thêm giờ nhằm chiếm đoạt tài sản từ ngân sách.
Trong khoảng thời gian nói trên, bà Xiêm lập danh sách chi trả tiền lương, phụ cấp cho 12 giáo viên dạy hợp đồng và trình bà Giang ký duyệt rồi rút tiền tại Kho bạc Nhà nước huyện Lệ Thủy. Khi trả cho giáo viên thì chỉ trả một ít và chiếm đoạt hơn 207 triệu đồng. Trong số này có hơn 146 triệu đồng tiền lương, phụ cấp thu hút, phụ cấp ưu đãi của giáo viên dạy hợp đồng; 61 triệu đồng còn lại là do lập khống chứng từ thanh toán tiền lương, phụ cấp ưu đãi sai quy định.
Trong năm 2014, bà Xiêm tiếp tục chiếm đoạt gần 17,4 triệu đồng tiền truy lĩnh phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24-12-2010 của 5 giáo viên. Trong quá trình điều tra, các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện bà Xiêm chiếm đoạt hơn 2,7 triệu đồng tiền chi trả chế độ thai sản cho 3 giáo viên.
Chưa hết, theo quy định của pháp luật, đối với các giáo viên nghỉ sinh thì không phải đóng các khoản như BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp Dù vậy, trong quá trình làm hồ sơ thanh toán, bà Xiêm vẫn khấu trừ các khoản đóng góp đó vào tiền lương hằng tháng của 8 giáo viên để chiếm đoạt 7,8 triệu đồng.
Nghiêm trọng hơn, trong 2 năm 2013-2014, bà Xiêm và bà Giang thống nhất lập hồ sơ khống thanh toán tiền làm thêm giờ của các cán bộ, giáo viên nhằm chiếm đoạt 66 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền bà Xiêm và bà Giang chiếm đoạt được nêu trong vụ án này là 300.875.670 đồng. Trong đó, bà Xiêm chiếm đoạt 285.875.670 đồng, bà Giang chiếm đoạt 15 triệu đồng.
Không có “vấn đề” gì?
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 39/2016/HSST ngày 20-12-2016, TAND huyện Lệ Thủy tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Xiêm 3 năm tù và Phan Thị Giang 12 tháng tù về tội “Tham ô tài sản” nhưng đều cho hưởng án treo, gây bức xúc dư luận. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Học, Chánh án TAND huyện Lệ Thủy, cho rằng phiên sơ thẩm xét xử như vậy là hoàn toàn khách quan và đúng luật, không có “vấn đề” gì trong đó.
“Người ta có thể có quan điểm thế nào thì quyền của họ. Chống tham nhũng thì mục đích trước hết là phải thu hồi tài sản. Các bị cáo đã nộp lại 100% số tiền chiếm đoạt trước khi khởi tố vụ án. Xét cho cùng thì mình xử nhân đạo vì các bị cáo cũng đã biết lỗi nên không cần phải đưa vào nhà giam để cải tạo, giam giữ vì họ cũng đã lớn tuổi rồi” - ông Học phân trần.
Theo ông Học, bà Xiêm được hưởng án treo là do căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ. “Theo quy định, chỉ cần 2 tình tiết là về dưới khung rồi nhưng họ có đến 5 tình tiết. Bị cáo là phụ nữ về hưu, có huân chương kháng chiến, chồng là thương binh, bố mẹ là người có công với cách mạng nên một bản án nhân đạo là xác đáng” - ông Học viện dẫn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Sanh, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Bình, cho biết cơ quan này không đồng tình với bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Lệ Thủy nên đã kháng nghị phúc phẩm, yêu cầu TAND tỉnh Quảng Bình xét xử phúc thẩm.
Không có tác dụng răn đe
“Trong bản kháng nghị phúc thẩm, VKSND tỉnh Quảng Bình nêu rõ hành vi phạm tội của các bị cáo Nguyễn Thị Xiêm và Phan Thị Giang là đã lợi dụng chức vụ được giao, lập khống chứng từ để rút tiền từ ngân sách, chi trả không đúng chế độ của cán bộ, giáo viên nhà trường nhưng được cho hưởng án treo là quá nhẹ, không đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra, không có tác dụng răn đe, phòng ngừa với loại tội phạm này. Bởi vậy, VKSND tỉnh Quảng Bình yêu cầu TAND tỉnh Quảng Bình đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm theo hướng sửa án sơ thẩm, không cho các bị cáo Nguyễn Thị Xiêm và Phan Thị Giang được hưởng án treo” - ông Nguyễn Xuân Sanh nói.
Bình luận (0)