Thời gian qua, giới tài xế xe con, xe tải phản ứng gay gắt trạm thu phí BOT trên cao tốc Liên Khương đi Đà Lạt do thu phí quá cao. Đó là trạm thu phí Định An, đặt tại xã Định An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Tuyến cao tốc Liên Khương đi TP Đà Lạt nối Cảng hàng không sân bay Liên Khương với cửa ngõ TP Đà Lạt được khởi công xây dựng năm 2004, chiều dài 19,2 km, tổng mức đầu tư 1.313 tỉ đồng theo tiêu chuẩn cao tốc loại B. Dự án hoàn thành vào tháng 7-2008 và chỉ sau 1 tháng, chủ đầu tư đưa trạm thu phí Định An đi vào hoạt động. Theo kế hoạch, thời gian thu phí của trạm này kéo dài 23 năm (từ 2008-2031). Vị trí đặt trạm cách chân đèo Prenn khoảng hơn 3 km và là cửa ngõ duy nhất để vào TP Đà Lạt, trên trục Quốc lộ (QL) 20.
Trạm thu phí Định An bị phản đối vì thu phí cao
Tuy nhiên, từ khi bắt đầu hoạt động, trạm thu phí đã vấp phải phản ứng quyết liệt của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và người dân bởi vị trí đặt trạm không hợp lý cùng mức phí quá cao.
Cụ thể, tất cả các xe đi vào đường cao tốc Liên Khương hay không đi vào cao tốc này mà rẽ xuống hướng Định An đều phải chịu mức phí chung. Mức phí qua trạm thấp nhất hiện nay là 36.000 đồng/xe/lượt, cao nhất 192.000 đồng/xe/lượt. Ông Nguyễn Đình Trưởng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hùng Phát (đơn vị thu phí trạm Định An) khẳng định mức phí trên là không cao sau 3 lần điều chỉnh vào các năm 2011, 2014 và 2016. Thế nhưng, với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thì phí qua trạm này là khó có thể chấp nhận. "Đường cao tốc Liên Khương đi Đà Lạt chưa đầy 20 km, mà xe từ 9 chỗ trở xuống phải chịu mức phí 36.000 đồng/lượt là rất cao. Chưa kể chúng tôi không có nhu cầu đi hết cao tốc Liên Khương hay chỉ đi nhờ 1 đoạn rồi rẽ qua Định An đi về QL 27 vẫn phải chịu mức phí như vậy là không thỏa đáng" – ông N.L.S, chủ một nhà xe ở Lâm Đồng nói.
Cũng vì trạm Định An đặt ở chân đèo Prenn mà xe buýt từ Đà Lạt đi huyện Đơn Dương, xe khách từ Đà Lạt đi Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) vẫn bị thu phí 100% dù chỉ "quá giang một đoạn chừng 2 km (từ đèo Prenn đến cầu chui để rẽ qua QL 27) trên cao tốc Liên Khương. Ngay cả người dân nhà ở bên kia trạm nhưng đi làm ở Đà Lạt cũng phải chịu mức phí suốt tuyến 72.000 đồng cho 2 lượt đi, về.
Giải thích về việc thu phí cao và bất hợp lý, ông Nguyễn Đình Trưởng cho rằng do trước đây, QL 20 đoạn qua xã Định An rất xấu, đầu tư làm lại tốn kinh phí lớn. Do đó, trạm Định An thu chung QL 20 với cao tốc Liên Khương là hợp lý. Cũng theo ông Trưởng, số lượng xe không đi hết đường cao tốc mà rẽ qua QL 27 là rất ít nên cũng phải thu chung qua trạm Định An chứ không tổ chức thêm trạm vì về kinh tế sẽ rất tốn kém.
Theo số liệu thống kê của Cục thuế tỉnh Lâm Đồng, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng doanh thu phí trạm Định An của Công ty TNHH Hùng Phát đạt bình quân hơn 13 tỉ đồng/tháng. Tạm tính với mức thu này, ròng rã gần 10 năm qua, chủ đầu tư đã gần lấy lại vốn và sẽ hưởng lợi không nhỏ nhờ thời gian thu kéo dài đến năm 2031.
Ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, xác nhận người dân có phản ánh việc trạm thu phí Định An thu phí ở mức cao. "Sở giao thông vận tải được tỉnh Lâm Đồng đã giao chủ trương đầu tư đường gom 2 bên vào giá trị đường cao tốc để thu phí. Trong thời gian tới, cần phải tính lại thời gian và mức thu phí theo các quy định hiện hành" - ông Hiệp nói.
Chưa kể sau gần 10 năm khai thác, tuyến cao tốc Liên Khương đã xuống cấp, trầm trọng, nhiều vị trí xuất hiện sống trâu, ổ gà nhưng chủ đầu tư không cải tạo, nâng cấp.
Ông Phùng Khắc Đồng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: "Việc người dân phản đối trạm Định An diễn ra từ nhiều năm nay. Mức thu phí đó đã thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh".
Bình luận (0)