Rất nhiều trẻ em miền núi ở Thanh Hóa đang trong độ tuổi đi học không được đến trường
Để thực hiện mục tiêu giảm tỉ lệ nghèo xuống mức thấp hơn mức trung bình cả nước, Thanh Hóa dự kiến duyệt chi khoảng 74.126 tỉ đồng. Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo thông tin về chương trình “Giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 -2020” do Tỉnh ủy Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Thạch Thành tổ chức ngày 15-6.
Trong đó, vốn ngân sách nhà nước (vốn trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vốn ngân sách địa phương) là 11.376 tỉ đồng, vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo là 12.000 tỉ đồng, vốn lồng ghép từ các dự án phát triển kinh tế xã hội và đóng góp của người dân là 50.000 tỉ đồng, còn lại là các ngồn vốn được huy động từ Quỹ vì người nghèo, doanh nghiệp, cơ quan tổ chức, cá nhân khoảng 750 tỉ đồng.
Một trong những mục tiêu quan trọng đầu tư xóa đói giảm nghèo là đặc biệt quan tâm đến nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Theo thống kê, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 7.700 trẻ em trong độ tuổi không được đi học (từ 5-15 tuổi). Chiến lược đặt ra giai đoạn 2016 - 2020 sẽ giao cho Sở GD-ĐT tỉnh này hướng dẫn các nhà trường, phối hợp với các địa phương tạo điều kiện để các em tiếp tục được học tập, đảm bảo 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường.
Ngoài ra, cần rà soát, sắp xếp mạng lưới các trường, lớp học cho phù hợp với điều hiện phát triển kinh tế từng địa phương. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhất là khu vực miền núi, đầu tư xây dựng các trường bán trú, trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề, chuẩn hóa giáo viên. Khích lệ động viên khen thưởng người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số tích cực học tập, nâng cao trình độ thông qua các phong trào “gia đình hiếu học”, “cộng đồng hiếu học”. Gắn với xây dựng xã thôn văn hóa, đạt chuẩn nông thôn mới và chuẩn xã hội học tập.
Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ở khu vực miền núi, tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh chủ trương, chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ lúa gạo, tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên là con hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết trong năm 2016, toàn tỉnh có 128.893 hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều (chiếm 13,51% số hộ toàn tỉnh). Trong đó huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất là Mường Lát với 71,4% (5.612 hộ); huyện có số lượng hộ nghèo đông nhất là huyện Tĩnh Gia với 10.250 hộ.
Bình luận (0)