Được khởi xướng và kiên trì thực hiện từ năm 1992, trải qua 23 năm, chương trình Xóa đói, giảm nghèo của TP HCM (nay là chương trình Giảm nghèo, tăng hộ khá) đã trở thành chủ trương đúng đắn của TP HCM. Trong mỗi giai đoạn, thành phố đều hoàn thành mục tiêu giảm nghèo sớm từ 1-2 năm so với kế hoạch và là địa phương đi đầu cả nước trong xóa đói, giảm nghèo bền vững, nhân văn.
Thành công nhờ cách làm hay
Đến xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi vào những ngày này, tìm đỏ mắt cũng không thấy một mái nhà tranh. Dọc trục đường chính dẫn vào xã, cờ bay phấp phới chào mừng sự kiện trọng đại: 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông Bùi Văn Luyến, Bí thư Đảng ủy xã Thái Mỹ, không giấu vẻ tự hào: “Thái Mỹ đã thay da đổi thịt rất rõ rệt. Từ lâu xã đã hoàn thành xóa nhà dột, nhà tạm, không còn nhà tranh. Người dân có việc làm ổn định, cuộc sống ngày càng khấm khá”.
Là một hộ thoát nghèo điển hình của xã, ông Trần Văn Thuận cho biết từ khi được nhận nguồn vốn vay từ chương trình Giảm nghèo, tăng hộ khá để làm kinh tế, gia đình ông đã “lột xác”, bắt đầu từ mấy triệu đồng tiền vay để đầu tư chăn nuôi. Được xã hỗ trợ và hướng dẫn cách làm đúng, ông Thuận đã phát triển đàn heo từ một con lên mấy chục con, mỗi năm thu lợi gần 50 triệu đồng.
Về “bí quyết” giảm nghèo của xã, ông Bùi Văn Luyến “bật mí”: Ngoài biện pháp tổng hợp, xã Thái Mỹ có cách làm rất riêng. Đó là áp dụng mô hình 5+1, tức là mỗi cán bộ quản lý chịu trách nhiệm giúp đỡ 5 hộ nghèo. Cách làm này rất hiệu quả vì hộ nghèo được cán bộ bám sát nên luôn có những đề xuất, hỗ trợ kịp thời giúp họ thoát nghèo bền vững.
Một điểm sáng khác là quận 5 - quận đầu tiên của TP HCM cán đích chương trình giảm nghèo giai đoạn 2014-2015 dù mới trải qua hơn 1/4 thời gian thực hiện. Ở quận 5 bây giờ, đâu đâu cũng nhộn nhịp không khí lao động, làm việc hăng say. Một ngày mới tại nhà ông Lý Châu Hùng ở phường 15 bắt đầu bằng những tiếng “rồ rồ” phát ra từ chiếc máy phay. Tay chỉnh, tay đưa sắt, mồ hôi nhễ nhại trên mặt nhưng ông vẫn tươi cười: “Chiếc máy đã trở thành người bạn thân thiết cải thiện cuộc sống gia đình tôi nhiều năm nay. Cũng nhờ sự hỗ trợ của địa phương mà gia đình tôi đã khá lên từng chút một”.
Vợ ông Hùng, bà Hàn Thị Nguyệt, đang lui cui dọn dẹp nhà cửa, cũng lên tiếng: “Bản thân mình cố gắng là chuyện tất nhiên nhưng nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền thì khó mà thoát nghèo được”.
Trong một hẻm nhỏ trên đường An Bình ở phường 5, gia đình bà Đường Hươu Lan cũng luôn rộn tiếng cười vì không còn bị cái nghèo bủa vây nữa. Bà Lou Hàn Cánh - Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chương trình Giảm nghèo, tăng hộ khá quận 5 - chia sẻ: “Mỗi cơ quan chức năng tại quận 5 là một nốt nhạc trong “dàn nhạc” giảm nghèo. Còn phương pháp chính là thực hiện chương trình giảm nghèo đặc thù với từng gia đình, cặn kẽ trong từng hoàn cảnh. Bằng những chính sách đồng bộ, quận 5 đã tìm được đáp án cho con đường thoát nghèo của những hoàn cảnh khó khăn nhất tại địa phương”.
Thành tựu đáng tự hào
Nói về lịch sử 23 năm xóa đói giảm nghèo của TP, ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND TP HCM, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình Giảm nghèo, tăng hộ khá TP HCM - cho biết trải qua 3 giai đoạn với cách làm sáng tạo, không ngừng đổi mới, thành phố đã nâng mức chuẩn nghèo theo mỗi thời kỳ phát triển. Giai đoạn 1992-2003 là 3 triệu đồng/năm (nội thành) và 2,5 triệu đồng/năm (ngoại thành). Giai đoạn 2004-2010, tiêu chuẩn hộ nghèo là dưới 6 triệu đồng/năm (cả nội thành và ngoại thành). Đến giai đoạn 2009-2015, tiếp tục nâng chuẩn hộ nghèo: dưới 12 triệu đồng/người/năm.
Đến đầu năm 2014, TP HCM đã tổng kết giai đoạn 3 trước thời hạn. Thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015 là 12 triệu đồng/người/năm; hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo trước thời hạn 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần IX đề ra.
Phát huy kết quả trên, thành phố đã xác định chuẩn nghèo theo tiêu chí mới là 16 triệu đồng/người/năm trở xuống, không phân biệt nội thành hay ngoại thành. Tính đến nay, các quận - huyện đã cơ bản hoàn thành mục tiêu giảm nghèo, trong đó có 8 quận - huyện đã hoàn thành tiêu chí mới. Số hộ nghèo chỉ còn 1,35%, số hộ cận nghèo còn 2,78%. Dự kiến đến cuối năm 2015, tỉ lệ hộ nghèo sẽ còn dưới 1% và tỉ lệ hộ cận nghèo khoảng 2,3%.
Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân đánh giá thành phố đã thực hiện thành công chương trình Giảm hộ nghèo, tăng hộ khá. Kết quả này hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế - xã hội.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải khẳng định đây là một điểm sáng, một thành tựu đáng tự hào và là nguồn động viên lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và nhân dân trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. “Từ những kết quả đạt được, chúng ta có cơ sở khẳng định tính đúng đắn của chủ trương hợp lòng dân, vì dân, do dân, của dân, thể hiện bản chất chế độ xã hội tốt đẹp, tăng cường mối quan hệ máu thịt của Đảng với nhân dân...” - ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
Phẩm hạnh của Đảng cầm quyền
Là người gắn bó xuyên suốt với chương trình giảm nghèo của TP HCM từ những ngày đầu, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài nhấn mạnh đây là chương trình mang đậm tính nhân văn và khoa học với cách tiếp cận, triển khai thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp cho mỗi giai đoạn để giảm nghèo căn cơ, vững chắc.
“Thực tiễn 40 năm qua chứng minh rằng người lao động, người nghèo luôn được quan tâm và tôn trọng trong xã hội. Thành phố luôn xem việc chăm lo lợi ích cho dân, ra sức xây dựng cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc cho người dân là mục tiêu hàng đầu và xuyên suốt. Đó cũng chính là phẩm hạnh của Đảng cầm quyền” - ông Tài đúc kết.
Kỳ tới: Trọng dụng nhân tài
Bình luận (0)