Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chảy qua các quận Tân Bình, quận 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh và quận 1 là biểu tượng của sự chung tay xây dựng TP ngày càng đáng sống.
Kênh giờ đã ra... kênh
“Nói như trên nếu là người chưa đến TP HCM hoặc đến sau những năm 2009 sẽ khó hiểu. Thế nhưng, nếu ai đã từng sống và từng dạo qua xóm Nhiêu Lộc hay Thị Nghè ngày trước sẽ thấy con kênh này bây giờ là biểu tượng của sự phát triển không ngừng của TP là không ngoa” - ông Trương Văn Sung - một người dân sống gần trọn đời người bên dòng Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nay đã gần 80 tuổi, thổ lộ.
Theo ông Sung, khoảng 20 năm trước, nhắc đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là người ta mường tượng ngay đến cảnh hôi thối, nhếch nhác, dịch bệnh; bởi nó được mệnh danh là con kênh dơ nhất TP. Và rồi, liên tục từ năm 2002 đến nay, nhiều dự án cải tạo đã đưa kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở lại đúng cái tên kênh vốn có của nó. Nước trong xanh trở lại, cá lội tung tăng. “Đặc biệt, 2 con đường Trường Sa, Hoàng Sa có thể nói là đẹp bậc nhất TP uốn lượn theo kênh. Đẹp hơn nữa, mỗi sáng sớm là cảnh dập dìu tập thể dục của người lớn, tung tăng vui nhảy của trẻ con khi chiều, khiến ai nhìn cũng mê, cũng khoái, cũng muốn về gần kênh mà trú ngụ cho sướng” - ông Sung nói.
Không chỉ có Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ hôi thối thành con kênh xanh mát, bây giờ, cư dân ở bên kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng vui hẳn từ ngày dòng kênh này được dọn sạch.
Là người sống gắn bó suốt 61 năm bên dòng Tân Hóa - Lò Gốm, bà Phạm Thị Tuyết (ngụ đường Phạm Văn Chí, quận 6) tâm sự rằng đời bà rất may mắn khi được thấy sự “đổi đời” của con kênh Tân Hóa - Lò Gốm. “Trước đây, cứ chạy qua con kênh này ai cũng phải nín thở; còn bây giờ, chiều về dòng người thi nhau ra kênh hóng mát, kể chuyện nhà, chuyện người, rôm rả lắm...!” - bà Tuyết vui vẻ nói và ví von thêm: Sự đổi thay này như “sự dậy thì của cô thiếu nữ”, lớn nhanh thần tốc!
Và hẳn nhiên, sự đổi thay của 2 dòng kênh trên đã kéo theo bộ mặt đô thị ở 2 tuyến kênh này thay đổi chóng mặt. Nhà lá, nhà sàn, giờ thay bằng nhà lầu, thành nhà hàng, thành siêu thị... tấp nập người mua, kẻ bán, đời sống người dân ven kênh sung túc lên hẳn. Anh Lê Anh Lộc (43 tuổi, ngụ hẻm 357 Hậu Giang, quận 6) bày tỏ: “Thuở trước, khu chúng tôi ở được mọi người mệnh danh là khu “ổ chuột”. Nghe vừa buồn vừa xót. Nay đã khác, giá đất khu vực này tăng vùn vụt, người dân sinh sống có thể mở tiệm tạp hóa, quán ăn để kinh doanh. Đời sống đã “sang” hơn trước, chất lượng môi trường thì cải thiện tốt lắm rồi”.
“Dữ” đã thành hiền
Ngoài chủ trương chuyển hóa bằng được kênh rạch ô nhiễm, để biến TP trở thành nơi đáng sống, chính quyền đã đưa hàng loạt khu “đất dữ” vào “danh sách đen” để chuyển hóa địa bàn bằng được.
Nay, người dân ở phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú) có quyền tự hào rằng mình đang ở một nơi sung sướng nhất TP. Nào là khu đô thị Celadon City hiện đại bắt đầu xây dựng. Nào là Trung tâm thương mại Aeon Mall Tân Phú vừa khai trương hồi năm 2014 ngày càng đông khách. Kéo theo đó là đường sá, các khu vui chơi khác mọc lên ngày càng nhiều.
Bà Lê Ngọc Thịnh (51 tuổi, cán bộ hưu trí phường Sơn Kỳ) vui mừng: “Từ một khu đất đìu hiu, là nơi trú ngụ của những người lang thang, ít ai dám qua lại, thì nay nơi đây đã xôm tụ thấy rõ. Đi dạo mát trong khu đô thị mới Celadon City, tôi cứ nghĩ như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. Sắp tới, nơi chúng tôi sống sẽ đón nhận thêm các công trình bệnh viện, trường học quốc tế..., thật hồ hởi!”.
Các khu vực An Sương (quận 12), Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh)... từng là những vùng đất dữ của người nghiện, đối tượng giang hồ, nay đã được chuyển hóa rõ rệt, người dân có thể an tâm đi sớm về khuya.
Nói có sách - mách có chứng, theo đề án nghiên cứu về chất lượng sống của người dân TP do Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM thực hiện tại 9 quận, huyện, tập trung 7 lĩnh vực chính gồm môi trường - hạ tầng đô thị; thu nhập và việc làm; sức khỏe và y tế; giáo dục và đào tạo…, có đến 85% người dân cho biết lạc quan, muốn sống ở TP HCM và cho rằng TP thật sự là nơi đáng sống. Qua 40 năm,TP đã có những bước phát triển tốt đẹp và người dân TP được thụ hưởng nhiều điều từ sự phát triển này.
Vắng bóng dần sự bất bình đẳng
Theo đề án nghiên cứu về chất lượng sống của người dân TP, từ khi đổi mới tới nay, kinh tế TP HCM đã phát triển mạnh, tạo công ăn việc làm không chỉ cho cư dân tại chỗ mà còn thu hút 1 lượng rất lớn lao động từ nhiều địa phương khác. Tỉ lệ thất nghiệp rất thấp, chỉ 4,5%.
Đặc biệt, theo ThS Lê Văn Thành, Trưởng Phòng Nghiên cứu văn hóa - xã hội, Viện Nghiên cứu Phát triển TP, có thể một bộ phận nhỏ người rất giàu ở TP chưa nói thật về độ giàu có của mình nhưng nhìn chung, khoảng cách giàu nghèo ở TP không quá cách biệt, chênh lệch giàu nghèo tương đối thấp, dưới 6,6%. “Điều đáng mừng là xã hội TP HCM đang xuất hiện xu hướng trung lưu hóa. Điều này cho thấy chất lượng sống ở TP đang tốt lên, không có nhiều bất bình đẳng” - ông Thành chia sẻ.
Bình luận (0)