Lực lượng chức năng đã ngăn 2 đầu đường Nguyễn Đình Thi, cấm các phương tiện giao thông đi vào để phục vụ công tác cưỡng chế. Nhiều công nhân, máy móc được huy động phục vụ việc cưỡng chế tại khu vực bến thủy nội địa đối với Công ty CP Nhà nổi Hồ Tây (số 2 Nguyễn Đình Thi).
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, ông Nguyễn Lê Hoàng, trong ngày 23-2, lực lượng chức năng quận và phường Thụy Khuê đã lên kế hoạch, bảo đảm an toàn khi cưỡng chế. “Các doanh nghiệp (DN) bị cưỡng chế cũng không cản trở lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xử lý, tháo dỡ những công trình vi phạm trên hồ Tây theo đúng quy định” - ông Hoàng nhấn mạnh
Theo thống kê của UBND quận Tây Hồ, hiện trên hồ Tây có 6 đơn vị lắp đặt sàn cứng, cầu dẫn khung thép, đóng cọc cố định xuống lòng hồ mà không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Trong đó, 4 đơn vị đã ngừng hoạt động kinh doanh nhưng vẫn neo đậu phương tiện thủy và lắp đặt các công trình khác. Ngoài ra, có 10 đơn vị đang hoạt động phương tiện thủy, phục vụ kinh doanh giải trí, ăn uống, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi hồ Tây mà không được cấp phép.
Trước đó, UBND quận Tây Hồ đã ra quyết định số 35/KH-UBND. Cụ thể, các công trình vi phạm, xây dựng trái phép từ số 2 đến số 10 Nguyễn Đình Thi phải tháo dỡ xong trong tháng 2-2017. Riêng các du thuyền, nhà nổi phải được di dời về khu tập kết tại Đầm Bẩy trước ngày 10-3. Quá thời hạn trên, UBND quận Tây Hồ sẽ tổ chức lực lượng cưỡng chế, xử lý vi phạm.
Dù cơ bản đồng tình với chủ trương làm đẹp hồ Tây của TP Hà Nội nhưng các chủ DN bị cưỡng chế cũng bày tỏ nhiều bức xúc và lo âu trước nguy cơ trắng tay. Do vậy, các DN đã đồng loạt gửi đơn xin hỗ trợ kinh phí di dời đến cơ quan chức năng.
Bà Lê Thị Minh Phương, đại diện Công ty CP Hồ Tây, cho biết công ty được UBND TP Hà Nội cấp phép hoạt động kinh doanh trên mặt nước khu vực hồ Tây từ năm 2001, trong thời hạn 30 năm. Đến nay mới hoạt động được 16 năm thì bị yêu cầu di dời khẩn cấp mà chưa chốt được phương án bồi thường. Công ty CP Hồ Tây đang đóng cọc khu vực Đầm Bẩy để chuẩn bị di dời thuyền về.
Theo ông Phương Năng Thắng, Giám đốc Công TNHH Du thuyền Hồ Tây, các DN kinh doanh ở hồ Tây hoàn toàn đồng thuận di dời về bến mới. Tuy nhiên, mong chính quyền cùng ngồi với DN để bàn cách tháo gỡ bởi nhiều DN bỏ toàn bộ vốn hàng chục tỉ đồng ra đầu tư, nếu bị cưỡng chế thì không thể trả được nợ nần. “Chúng tôi kiến nghị xem xét tài sản trên hồ Tây của DN là bao nhiêu để hỗ trợ đền bù cho tương xứng” - ông Thắng nói.
Trước đó, đầu tháng 10-2016, cá đột ngột chết hàng loạt, nổi trắng hồ Tây. Lực lượng chức năng đã thu vớt, xử lý hơn 200 tấn cá. Nhiều chuyên gia cho rằng một số nhà hàng nổi hoạt động ven hồ Tây và hàng loạt ống cống xả thải ra hồ là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt. Hiện mỗi ngày hồ Tây phải tiếp nhận khoảng 4.000 m3 nước thải của các nhà hàng, quán ăn uống và người dân sinh sống ven hồ thải xuống. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy hàm lượng amoniac trong nước gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép.
Bình luận (0)