GS Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) 2 khóa XI và XII, còn nhớ như in tâm trạng “vừa vinh dự vừa lo lắng” khi những ngày đầu trở thành ĐBQH. “Năm 2002, tôi đang công tác tại Trường ĐH KHXH-NV Hà Nội thì nhận được công văn của Ủy ban Thường vụ QH đề nghị ra ứng cử ĐBQH trong vai trò ĐB chuyên trách.
Cầm quyết định trong tay, tôi cảm thấy vinh dự nhưng cũng đầy âu lo vì gần như chưa có hành trang gì để bước vào nghị trường” - GS Thuyết nhớ lại.
“Bắt sóng” nguyện vọng cử tri
ĐB Thuyết cho biết chia tay giảng đường để đến với nghị trường thực sự là một quyết định khó khăn trong đời ông. Tuy nhiên, những “đơn đặt hàng” từ cử tri sớm khiến cho ông cảm thấy nghị trường có nhiều điều để học hỏi và khám phá.
“Trong lần tiếp xúc cử tri ở Lạng Sơn, một bác cao tuổi nói rằng suốt các kỳ họp của QH khóa X, ông thấy ĐB Lạng Sơn phát biểu rất ít. Ông chỉ mong rằng tôi hãy góp tiếng nói của cử tri Lạng Sơn tới diễn đàn QH. Từ lúc ấy, tôi đã cảm nhận được sự kỳ vọng của cử tri vào mình và ĐBQH nói chung là rất lớn” - ông Thuyết kể.
Với GS Nguyễn Lân Dũng, ĐBQH 3 khóa X, XI, XII, “đơn đặt hàng” từ những nông dân luôn làm ông thao thức. GS Dũng cho biết khi tiếp xúc cử tri, ông nhớ nhất những gì bà con nông dân gửi gắm.
“Nông dân nước ta quả là tầng lớp còn nghèo nhất và chịu nhiều thiệt thòi nhất so với các tầng lớp khác. Vậy mà họ lại đang nuôi sống cả nước và góp phần đáng kể vào nguồn lực xuất khẩu. Điều đó thôi thúc tôi làm gì đó cho họ khi trúng cử ĐBQH” - ông tâm sự.
GS Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Quốc hội khóa XI và XII, thường đưa ra những câu chất vấn thẳng thắn, gai góc
Những “ngôi sao nghị trường” với kinh nghiệm 2, 3 khóa làm ĐBQH đều khẳng định khi trở thành người ĐB nhân dân, việc gì cũng phải học.
GS Nguyễn Minh Thuyết tâm sự: “Khi mới trở thành ĐB chuyên trách Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của QH, tôi được giao thẩm tra Luật Thủy sản. Thú thật, tôi là dân ngữ văn nên không có nhiều hiểu biết về thủy sản, vì vậy đọc dự luật thấy cơ bản đều ổn. Thế nhưng, khi một cô chuyên viên Văn phòng QH đọc xong bảo “Luật này còn nhiều chỗ bất cập nhỉ!”, tôi mới giật mình. Lúc ấy, tôi rất lo lắng”.
Thế rồi, những chuyến đi thực tế, những lần tiếp xúc bà con ngư dân đã đem lại cho ông nhiều bài học quý báu. GS Thuyết đúc rút: “Cái gì không biết thì phải đi đến tận nơi cho biết vì mình làm luật ảnh hưởng tới cả xã hội và hàng triệu con người”.
Để có thể tham gia sôi nổi và hiệu quả vào việc thảo luận các dự luật, GS Nguyễn Lân Dũng tìm cách thăm dò ý kiến bè bạn có liên quan. Ông còn tham dự đều đặn các buổi thảo luận về dự luật tại Ủy ban MTTQ và ghi nhớ những điều mà các chuyên gia thấy cần sửa đổi, bổ sung, để có thể phát biểu khi thấy chưa có ai đề cập.
Trở thành ĐBQH, GS Dũng “gánh thêm nhiều công việc không tên, không tuổi”. Ông kể: “Tôi tiếp xúc cử tri ngay tại nhà và với bất kỳ cử tri của địa phương nào. Chuyện này mất rất nhiều thời gian”.
GS Dũng luôn tự hào rằng trong nhiều năm làm việc ở nghị trường, ông là một trong số các ĐBQH tiếp xúc cử tri trực tiếp tại nhà nhiều nhất.
Với GS Thuyết, hai khóa làm ĐBQH là quãng thời gian ông nhận được thư tay, email, tin nhắn, điện thoại nhiều nhất trong đời. “Hầu như ngày nào cũng phải có tới vài chục cử tri gửi gắm tâm tư nguyện vọng đến tôi. Tôi tận dụng mọi thời gian để giải đáp những thắc mắc của họ. Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nợ cử tri nhiều câu hỏi lắm” - ông thổ lộ.
Không ngại va chạm
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết trong quá trình hoạt động QH, ông từng bị vài vị bộ trưởng “giận”: “Khóa XI, tôi chất vấn bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin về chuyện loạn sách tham khảo. Sau đó, báo chí đăng chuyện bộ trưởng này nói với các phóng viên rằng có nhiều GS cũng viết sách tham khảo nên thị trường mới loạn. Không biết bộ trưởng nhằm vào ai nhưng riêng tôi cảm thấy buồn vì mình chưa bao giờ viết sách tham khảo”.
Cũng ở khóa này, một lần bị ông Thuyết chất vấn, bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông đập bàn mấy cái liền. “Tuy nhiên, sau đó ra hành lang, ông ấy và tôi bắt tay nhau vui vẻ. Ông ấy còn hỏi tôi có phải người Lạng Sơn không”- GS Thuyết nhớ lại.
Ông Thuyết nằm trong số ít các ĐBQH chất vấn thẳng thắn. “Chọc giận” các thành viên Chính phủ là điều ít ĐBQH mong muốn nhưng ông Thuyết gần như là một “chuyên gia” vì những chất vấn gai góc của ông khiến không ít bộ trưởng mất bình tĩnh.
Một bộ trưởng Bộ Y tế trong lần trả lời chất vấn của ĐB Thuyết về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã “giận dỗi”: “Tôi không thể đi từng chợ để giám sát vấn đề thực phẩm mất vệ sinh”!
GS Nguyễn Lân Dũng cũng nổi danh nghị trường với nhiều chất vấn thẳng thắn, gai góc, trong đó có việc “chọc” thẳng vào tệ nạn CSGT “làm luật” làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng vạn chiến sĩ công an khác. “Đến giờ, tệ nạn ấy vẫn chưa có nhiều chuyển biến”- ông Dũng trăn trở.
Còn nhiều trăn trở
Nhiều gương mặt ĐBQH khóa cũ chia tay nghị trường để lại nhiều tiếc nuối. Bà Phạm Thị Loan (Hà Nội) kể: “Khi biết tôi không tham gia QH lần này, có cử tri tìm gặp và trách móc: “Tại sao cô lại trốn tránh làm những việc vì nước vì dân?”. Những lời ấy làm tôi hiểu sự kỳ vọng của cử tri ở ĐBQH là rất lớn. Tôi chỉ tiếc là điều kiện không cho phép mình tiếp tục được gắn bó với QH nữa. Nhưng dù làm gì và trên cương vị nào thì tôi vẫn sẽ nói tiếng nói của người dân”.
Dù đã rời nghị trường, bà Loan vẫn trăn trở: “Có những điều tôi đã cố làm hết sức nhưng đôi khi vẫn có cảm giác bất lực. QH khóa XIII sẽ còn đứng trước nhiều quyết định lớn lao và hệ trọng nên mỗi ĐBQH càng cần nói lên tiếng nói của dân. Tôi thấy rằng khi nói được tiếng nói của lòng dân thì mình vững tin lắm, không sợ bất cứ điều gì”.
GS Nguyễn Lân Dũng bộc bạch: “Tôi mong các ĐBQH không nên từ chối tiếp dân, dù là tiếp tại nhà riêng để lắng nghe cử tri nói”. Theo ông Dũng, từng ĐBQH cần có tinh thần đấu tranh với những sai trái ở địa phương của mình.
“Đừng ngại ngần vì sự không đồng tình của các quan chức địa phương. Khi có dũng khí làm những chuyện vì lợi ích địa phương thì mới nói được đến những chuyện vì lợi ích quốc gia” - ông Dũng nhận định.
ĐB Dương Trung Quốc, người vẫn sẽ tiếp tục con đường đã đi gần 10 năm qua tại diễn đàn QH, lại tiếc cho những ĐB còn nhiều tâm huyết: “Tôi cảm thấy tiếc vì nhiều ĐB đang rất sung sức và ngày càng có nhiều kinh nghiệm hoạt động nghị trường nhưng phải nghỉ do giới hạn tuổi tác”.
Theo ĐBQH tỉnh Đồng Nai này, chính vì chỉ làm 1-2 khóa đã nghỉ nên tính chuyên nghiệp của ĐBQH đôi khi chưa cao.
“Phần lớn ĐB của chúng ta vẫn là những người không hoạt động nghị trường chuyên nghiệp, trong đó có cả tôi. Tôi không phải là ĐB chuyên trách nhưng trong quãng thời gian QH họp, tôi phải tiếp xúc với cử tri ngay tại nơi làm việc. Riêng chuyện nghe bức xúc cử tri thôi đã quá tải rồi” - ông Quốc nói.
Kỳ vọng người mới
Tất cả những vị ĐBQH và nguyên ĐBQH mà chúng tôi tiếp xúc đều có niềm tin rằng QH khóa XIII sẽ tiếp tục phát huy những gì đã có ở những khóa trước. “Việc có đa số ĐB mới không phải là điều gì đáng lo lắng. Tôi thấy thời nào cũng có người dám nói. Vấn đề tôi quan tâm là các ĐB mới sẽ nói được đến đâu và các cơ quan của Chính phủ sẽ tiếp thu được đến đâu” - bà Phạm Thị Loan băn khoăn. Ông Đặng Văn Xướng, nguyên ĐBQH ở Long An, kỳ vọng: “Mặc dù một số cây đa, cây đề đã không còn tham gia QH nhưng tôi tin sẽ có những gương mặt mới. Hào kiệt thì thời nào cũng có cả”.
GS Nguyễn Lân Dũng gửi gắm nhiều kỳ vọng vào các đại biểu Quốc hội khóa XIII
Với kinh nghiệm nghị trường 3 khóa gần 15 năm, ông Nguyễn Lân Dũng gửi gắm: “Bài học của vị ĐB nói “Tôi đi tàu cao tốc nhiều lần rồi, dân chúng đi học và đi chợ thuận lợi lắm” (!) khiến công luận chê cười dữ dội thật đáng để cho các ĐBQH khóa mới ghi nhớ”. Ông Dũng cũng cho rằng các ĐB mới cần rút kinh nghiệm chuyện nói những chuyện quá cụ thể như xin chữa con đường này, xây cái cầu kia…, rất ít tác dụng ở diễn đàn QH. “Mỗi ĐBQH hiện nay thay mặt cho 156.000 dân và đã là ĐBQH thì nhất định có đủ trình độ để đánh giá từng sự kiện” - ông Dũng nhấn mạnh. |
Bình luận (0)