UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản số 223/BC-UBND, báo cáo tổng hợp kết quả giám sát tài chính các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh quản lý năm 2014. Báo cáo đề cập đến nhiều khuất tất, làm ăn thua lỗ của Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk (Dakruco).
Bố con “hợp tác”
Năm 2010, Dakruco góp 15 tỉ đồng (35,29%) thành lập Công ty CP Chỉ thun Đắk Lắk tại cụm công nghiệp Hòa Phú (tỉnh Đắk Lắk). Tại dự án này, con trai ông Huỳnh Văn Khiết, Tổng Giám đốc Dakruco, là ông Huỳnh Bảo Minh góp 12 tỉ đồng (28,24%). Sau đó không lâu, Dakruco rót vào công ty này 135,5 tỉ đồng với danh nghĩa cho vay. Như vậy, các khoản đầu tư vốn của nhà nước thông qua Dakruco chiếm tỉ lệ chi phối (150,5 tỉ đồng) tại Công ty CP Chỉ thun Đắk Lắk. Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, tính đến hết năm 2014, Công ty CP Chỉ thun Đắk Lắk ngoài khoản nợ 135 tỉ đồng của công ty mẹ đã chuyển thành vốn góp còn thua lỗ dẫn đến mất phần vốn đầu tư bằng cổ phiếu là 15 tỉ đồng.
Năm 2011, Dakruco cổ phần hóa Trung tâm Du lịch sinh thái và Spa Bản Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) thành Công ty CP Thương mại - Du lịch Bản Đôn (gọi tắt là Công ty Bản Đôn) với tài sản được định giá hơn 67 tỉ đồng. Đối tác của công ty này là Công ty TNHH Huỳnh Phước, cũng do ông Huỳnh Bảo Minh làm giám đốc, góp 20 tỉ đồng. Không hiểu sao, sau đó, quyền điều hành Công ty Bản Đôn không phải là đại diện của Dakruco mà là ông Huỳnh Nguyên Khải - một người con trai khác của ông Khiết. Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, tính đến thời điểm ngừng hoạt động (cuối năm 2013), Công ty Bản Đôn lỗ lũy kế 26 tỉ đồng, phần lỗ trên vốn góp của Dakruco hơn 10 tỉ đồng.
Đối với dự án cụm dịch vụ khách sạn Dakruco (phía Bắc TP Buôn Ma Thuột), đưa vào hoạt động năm 2009 nhưng kinh doanh thua lỗ liên tục. Đến nay, dự án làm âm vốn chủ sở hữu hơn 122 tỉ đồng. Ngoài ra, dự án trồng cao su ở Kon Tum của Dakruco cũng kém hiệu quả, làm mất vốn 94 tỉ đồng.
Bán tháo để trả nợ
Trước tình hình trên, mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo tái cơ cấu Dakruco, trong đó có việc thu hồi các khoản đầu tư thất thoát. Tại chi nhánh trồng cao su ở Kon Tum (có giá trị đầu tư đến ngày 31-12-2014 là hơn 219 tỉ đồng), đầu năm 2015, UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty TNHH MTV Chư Mom Ray (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) với giá 125 tỉ đồng. Sau khi thực hiện chuyển nhượng dự án, toàn bộ số tiền thu được Dakruco sử dụng thanh toán các khoản vay đầu tư.
Đối với cụm dịch vụ khách sạn Dakruco, tháng 8-2014, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản đồng ý cho phép Dakruco bán toàn bộ cho các nhà đầu tư trong nước. Để thực hiện thoái vốn tại dự án đầu tư ngoài ngành này, Dakruco đề nghị được thuê cơ quan chức năng thẩm định giá trị làm cơ sở cho việc chuyển nhượng. Dakruco đang tìm kiếm nhà đầu tư trong nước để đàm phán, chuyển nhượng theo giá thị trường.
Khó khăn nhất là giải quyết phần vốn tại Công ty Bản Đôn. Tháng 3-2014, UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu Dakruco thoái vốn toàn bộ, chấm dứt việc tham gia góp vốn vào công ty này. Trong thời gian thực hiện việc thoái vốn, Dakruco phải khoanh nợ, không tính lãi suất. Thế nhưng, việc tìm kiếm đối tác nhận chuyển nhượng phần vốn của Dakruco đã góp ở công ty này hiện gặp khó khăn, không có nhà đầu tư nào tham gia.
Theo đại tá Cao Thành Vinh, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an tỉnh Đắk Lắk, cơ quan công an đã kết luận các sai phạm tại Công ty CP Chỉ thun Đắk Lắk và kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý. Đối với các sai phạm tại Công ty Bản Đôn, cơ quan điều tra đang tiếp tục xác minh, làm rõ
Được biết, ông Huỳnh Văn Khiết được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Dakruco từ năm 2004. Dù làm mất vốn nhà nước hàng trăm tỉ đồng nhưng ông Khiết đã “hạ cánh an toàn”, nghỉ hưu vào năm 2012.
Bình luận (0)