Tỉnh Phú Yên vừa hoàn thành đại hội Đảng cấp cơ sở xã, phường. Đây được xem là lần “thay máu” cuối cùng bởi những cán bộ không đủ chuẩn còn lại đã bị loại khỏi bộ máy hành chính, thay vào đó là lớp cán bộ trẻ được đào tạo bài bản hơn.
Không đạt chuẩn thì nghỉ việc
Ông Lê Hoàng Hiệp (ngụ thôn Phú Phong, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) nguyên là thường trực Đảng ủy xã An Chấn, đã phải nghỉ chế độ trước tuổi từ năm 2012. Ông chấp nhận nhận bảo hiểm xã hội một lần, về hưu sớm. “Lớp trẻ bây giờ nhiều em học hành đàng hoàng, có kiến thức rộng. Mình nghỉ là đương nhiên để các em có điều kiện cống hiến” - ông Hiệp tâm sự.
Trong 3 năm qua, huyện Tuy An đã cho nghỉ việc gần 100 cán bộ xã, thị trấn vì không đạt chuẩn về trình độ. Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho hay trước khi thực hiện việc chuẩn hóa, huyện đã thông báo cụ thể đến các cán bộ. Theo quy định, cán bộ xã, phường, thị trấn phải có bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp trở lên. Với cán bộ chủ chốt thì cần thêm bằng trung cấp chính trị. Cán bộ nào không lo học để đạt được chuẩn ấy thì phải nghỉ.
Những cán bộ trẻ “đứt gánh giữa đường” vì không đạt chuẩn về trình độ sẽ được chi trả chế độ bảo hiểm một lần. Còn với những người sắp đến tuổi về hưu nhưng phải nghỉ vì không đạt chuẩn thì được hỗ trợ tiền bảo hiểm hằng tháng để đến tuổi được nhận lương hưu.
Ông Ngoạn tự tin cho biết huyện Tuy An không ngại về nguồn cán bộ thay thế những người không đạt chuẩn trình độ vì còn rất nhiều người ở địa phương học hành tử tế, có trình độ cao nhưng vẫn thất nghiệp. “Tất nhiên, khi các em được tuyển vào làm cán bộ, bước đầu hiệu quả công việc có thể chưa cao vì thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, tuổi trẻ bây giờ tiếp cận nhanh lắm! Các em vừa làm vừa học, chẳng mấy chốc sẽ hoàn thiện. Hơn nữa, cũng cần luồng gió mới trong tư duy việc làm ở cán bộ xã, chứ cứ giữ lối mòn mãi sao được. Tôi già rồi nhưng thấy đấy là cần thiết!” - ông Ngoạn bày tỏ.
Hàng ngàn cán bộ cắp cặp đến trường
Theo ông Đặng Lê Tiến, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên, địa phương này có cả nghị quyết của thường vụ tỉnh ủy về việc chuẩn hóa trình độ cán bộ xã, phường. Trong 3 năm qua, khoảng 2.700 cán bộ xã, phường của tỉnh Phú Yên được đi học chuyên môn nhằm đạt chuẩn, trong đó có 550 người học đại học.
Ngoài ra, nhằm thay thế những cán bộ không đạt chuẩn, bị loại khỏi bộ máy, 3 năm qua, Phú Yên đã tuyển dụng gần 300 sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy về công tác ở các xã, phường, thị trấn; đồng thời thí điểm bố trí trí thức trẻ tình nguyện về giữ chức vụ phó chủ tịch UBND xã, phường. Mới đây, tỉnh lại tuyển dụng thêm 30 trí thức trẻ - là những sinh viên quê Phú Yên tốt nghiệp loại khá, giỏi - tình nguyện về các xã vùng sâu, vùng xa công tác.
Phú Yên cũng đang thực hiện đề án tuyển 100 kỹ sư nông nghiệp, cử nhân kinh tế hệ chính quy về làm lãnh đạo các HTX nông nghiệp vốn được HĐND tỉnh thông qua từ năm 2014. “Chúng tôi có thể khẳng định 100% cán bộ xã, phường, thị trấn đã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn; hơn 90% cán bộ đã đạt chuẩn về trình độ chính trị, đến cuối năm nay sẽ đạt 100%” - ông Tiến nêu rõ.
Ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho rằng tỉnh đã thực hiện một cách quyết liệt việc chuẩn hóa trình độ đối với cán bộ cấp xã, phường, thị trấn. Ông cũng đánh giá cao năng lực của các cán bộ trẻ là những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học về công tác tại các xã. “Nhiều sáng kiến mà các em đưa ra đã được triển khai, làm thay đổi rõ bộ mặt nông thôn ở tỉnh” - ông Cự tâm đắc.
Trong khi đó, tại Thanh Hóa, theo Sở Nội vụ, hiện tỉnh này có 13.609 cán bộ, công chức cấp xã. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng Phòng Đào tạo - Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, cho biết nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cấp xã, từ năm 2010-2014, tỉnh đã mở gần 100 lớp kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, bồi dưỡng nghiệp vụ... cho 22.529 lượt người.
“Chúng tôi nhận thấy những cán bộ có tuổi thì bằng cấp chắp vá, trình độ khập khiễng nhưng lại có kinh nghiệm và xử lý tình huống rất tốt. Trái lại, rất nhiều cán bộ trẻ có trình độ lại yếu về điều này. Vì thế, trong quá trình đào tạo, chúng tôi cũng thực hiện thế nào cho hài hòa 2 yếu tố ấy” - bà Nguyệt nhìn nhận.
Theo bà Nguyệt, song song với việc đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức cấp xã, trong 4 năm qua (2011-2015), Thanh Hóa đã thu hút được 1.679 cử nhân về công tác tại các xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, Sở Nội vụ cũng tham mưu cho UBND tỉnh tuyển chọn 60 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND các xã thuộc 7 huyện nghèo. Đến nay, hơn 50% số xã, thị trấn thuộc 7 huyện nghèo đã có trí thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND.
Còn tại Quảng Nam, ông Trần Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, khẳng định qua rà soát, hầu hết cán bộ xã ở tỉnh này đều đạt và vượt so với chuẩn cơ bản của trung ương là trung cấp chuyên nghiệp. Thậm chí, Tỉnh ủy Quảng Nam còn đưa ra tiêu chuẩn cao hơn thế.
Theo ông Hòa, mỗi năm, tỉnh Quảng Nam mở hàng chục lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cấp xã để nâng cao trình độ. “Hiện nay, với người đi học đại học về làm ở xã theo đề án 500 thì Quảng Nam không có chỗ để bố trí” - ông Hòa cho biết.
Cuối năm 2014, Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên phát hiện 10 cán bộ sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả ở 6 xã và thị trấn, trong đó có 2 cán bộ là chủ tịch UBND xã. Số cán bộ này đã bị cho nghỉ việc.
Bình luận (0)