Khu điều trị bắt buộc thuộc Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương 2, nơi đang điều trị cho hàng trăm người là can phạm có dấu hiệu tâm thần từ miền Trung trở vào, vốn thuộc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, nay hoạt động độc lập. Tại đây, quá trình chữa bệnh cũng như sinh hoạt hằng ngày hết sức phức tạp.
Trong bác sĩ, ngoài công an!
Khi vừa bước vào góc sân của “khu phạm”, chúng tôi lập tức bị bao vây bởi hàng loạt bệnh nhân tại đây. Người thì đứng ngó, người thì cười the thé đòi chụp ảnh, xa xa một bệnh nhân xăm vằn vện trên người đang ngoan ngoãn rửa chén, bỗng gầm lên dữ tợn.
Ngồi đối diện chúng tôi bên chiếc bàn đặt vội ở góc sân là Phạm Thị Loan, mang án 5 năm tù vì tội lừa đảo, đang thụ án thì phát bệnh. Vừa được dẫn qua khỏi cánh cửa sắt kiên cố, người đàn bà này đã vội sửa lại tóc, vuốt quần áo, cười như trên sân khấu và… xuống ngay một câu cải lương: “Trời ơi, bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn…”.
Bị can Lâm Tiến Dũng (trái) trong khu điều trị tâm thần
Khi chúng tôi hỏi trước đây từng làm gì mà bị bắt, Loan trả lời: “Em lừa đảo”. Chúng tôi hỏi tiếp: “Gia đình có thường lên thăm chị không?”. Nghĩ mãi một hồi lâu, người đàn bà này mới nói: “Chúng nó thăm làm gì, em làm thì ráng chịu”. Nói rồi, Loan cười lên một tràng ghê rợn khiến các bệnh nhân khác lại đổ ùa ra bên cánh cửa sắt, đứng ngó trân trân.
Can phạm Lặng Hoàng Tuân, sinh năm 1982 tại Lâm Đồng, khi vừa được dẫn ra gặp chúng tôi đã lập tức đập đầu sát đất, lạy như tế sao. Các bác sĩ cho biết hễ gặp bất cứ ai, Tuân cũng khấu đầu lạy hơn chục lần khiến các bệnh nhân khác tỉnh táo hơn dù đã quen nhìn cũng không thể nhịn được cười.
Tuân mang trong mình nhiều thứ bệnh, chân đi lê từng bước, hai bên phải có hai người dìu. Thế nhưng trên cái thân hình cởi trần tàn tạ còn đó hình một con đại bàng to tướng. Một cán bộ tại đây cho biết Tuân là tội phạm nguy hiểm, từng là một tay anh chị, đang chịu án vì tội giết người.
Do tính chất nghiêm trọng, phức tạp của ‘khu phạm” nên tại đây, ngoài những tấm áo trắng của các bác sĩ, bên ngoài còn có 5-7 bóng áo xanh của công an luôn túc trực với công cụ hỗ trợ.
Ranh giới điên, tỉnh
Theo lời các bác sĩ, trong thế giới tâm thần, nếu tiếp xúc trong thời gian ngắn khó có thể phân biệt được người đang đứng đối diện với mình có thật sự bị điên hay không.
Chiều cuối tháng 7 - 2012, tại khu điều trị bắt buộc, chúng tôi tiếp xúc với 3 can phạm luôn miệng một mực kêu oan. Bà Phạm Thị H., sinh năm 1967, bị án tù 3 năm, sau đó phát bệnh phải vào đây chữa trị. Bà H. nói nhiều lần mình bị lừa đứng tên trong những giấy tờ nhà đất giả, sau đó cùng đi thế chấp mượn tiền với một người khác.
Sau khi vay tiền, người kia đã cao chạy xa bay. Bản thân bà không biết chữ, chỉ là một nông dân nhẹ dạ cả tin, nghe bảo có tiền vốn để làm ăn thì nghe theo, không hề biết người ta đã âm mưu làm gì với tên, tuổi của mình. “Ở nhà tôi vẫn làm nông bình thường, tuy nhiên ai bảo gì cũng nghe, thỉnh thoảng trộm thức ăn của người khác nên chồng con bảo ngu thì cho chết…”- bà H. bộc bạch.
Còn bà Đoàn Thị P., sinh năm 1960, quê Bạc Liêu, một mực khẳng định có người đã bỏ 5 khúc vải đắt tiền vào nhà mình nhằm vu oan tội trộm cắp, đẩy bà vào tù hoặc vào trại tâm thần để “cướp đất”. “Nhà tôi đang có vụ tranh chấp đất chưa được giải quyết xong, xin hãy giúp thả tôi ra…” - người phụ nữ này van vỉ.
Trường hợp khác là cô gái tuổi ngoài 20 Nguyễn Thị Thúy V. rất xinh đẹp, nói năng và dáng điệu lịch sự, nếu nhìn bề ngoài không ai có thể nghĩ là người bị bệnh tâm thần. Bên cánh cửa, lúc cán bộ công an quay đi, cô gái nhét vội vào tay chúng tôi một tập thư dày nói nhanh: “Cứu em với, người ta làm hại em. Cho em ra ngoài…”. Tuy nhiên, khi chúng tôi trao đổi với bác sĩ về trường hợp của V. thì được trả lời: “Cô ta đòi ra ngoài để làm… ca sĩ nổi tiếng đó!”.
Trường hợp bị can Lâm Tiến Dũng, sinh năm 1964, hiện đang được điều trị tại đây cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi trong dư luận. Phải chăng nhiều kẻ gây tội ác tàn độc rồi “lách” vào viện tâm thần nhằm trốn tránh hoặc giảm bớt sự trừng phạt của pháp luật? Theo điều tra, cuối tháng 1 - 2012, Dũng đã mặc áo mưa, đeo khẩu trang cầm ca a xít bước vào căn nhà hàng xóm trên đường Nguyễn Văn Nghi (quận Gò Vấp - TPHCM) tạt vào cả nhà người láng giềng, trong đó có một cháu nhỏ khiến họ thân tàn ma dại.
Khi bị bắt, Dũng khai: Dũng ra tay tàn độc chỉ vì người hàng xóm đã... chửi cha mình. Thế nhưng, sau đó cơ quan điều tra cũng xác định Dũng thực hiện hành vi tàn ác là do “tiếng nói xúi giục” - hiện tượng “ảo thanh”. Gặp Dũng trong viện tâm thần, bị can này nói: “Tôi xác định làm vậy, tôi không hề hối hận…”.
Không có chuyện nhập nhèm!
Trao đổi với chúng tôi xung quanh những nghi vấn của dư luận về việc “kẻ muốn vào người muốn ra” tại viện điều trị tâm thần - khu điều trị bắt buộc, bác sĩ Bùi Thế Hùng, Phó Giám đốc Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương 2, cho biết không có chuyện nhập nhèm muốn cho ai vào ra dễ dãi. Theo bác sĩ Hùng, dù ranh giới giữa tỉnh và bệnh có lúc khá mong manh nhưng với chuyên môn của mình, các bác sĩ vẫn có thể nhanh chóng xác định được người có bệnh hay không. Vả lại, việc đưa một can phạm hoặc một người bình thường đi chữa bệnh tâm thần phải có sự giám sát của nhiều bên, chứ không phải chỉ riêng trách nhiệm của các bác sĩ. |
Kỳ tới: Người tâm thần ngày càng nhiều
Bình luận (0)