Trên thế giới mỗi năm có 1 triệu người tự tử, 10-20 triệu người có ý định tự tử, cứ 4 người thì có 1 người rối loạn thần kinh vào một thời khắc nào đó trong cuộc đời. Nước ta cũng không phải là ngoại lệ. Các bác sĩ cho biết để khắc phục tình trạng này cần có sự quan tâm, chung sức của cộng đồng.
Ám ảnh cả trong giấc ngủ
Vừa vỗ về vừa thể hiện sự nghiêm khắc, một bác sĩ tại Khoa C2 (Khoa Tâm thần nữ) Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 phải sau một hồi rất vất vả mới khuyên được một nữ phạm nhân lợi dụng sơ hở bỏ chạy ra ngoài quay trở vào trong khu điều trị. Một y tá khác thì bị một bệnh nhân bất ngờ chồm lên cào xước cả tay. Đó là cảnh chúng tôi nhìn thấy khi theo dõi một buổi tiếp xúc, thăm khám của các y, bác sĩ tại bệnh viện này.
Chính vì nghề nghiệp với nhiều đặc thù vất vả như thế, cho nên, theo các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, chẳng mấy ai muốn vào làm việc ở ngành tâm thần. “Vất vả lắm, có thật sự yêu quý nghề, thật sự cảm thông với bệnh nhân mới trụ lại đây lâu dài được. Nhiều khi những nhọc nhằn của nghề nghiệp ám ảnh cả vào trong giấc ngủ…”- một bác sĩ làm việc lâu năm ở đây tâm sự.
Xã hội chưa quan tâm
Người bệnh tâm thần cần được gia đình và xã hội quan tâm chăm sóc
Bác sĩ Nguyễn Hữu Cầu kể có hai vợ chồng ở huyện Krông Pa - Gia Lai bị người anh rể mắc bệnh tâm thần đâm chết bằng nhiều nhát dao cách đây gần một tháng. Lẽ ra, gia đình, hàng xóm phải biết phát hiện dấu hiệu bệnh trở lại của người này và kịp thời báo với các đơn vị chức năng để có biện pháp quản lý, đề phòng, ngăn chặn và kịp thời đưa đi điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Thành Quang, Trưởng Khoa Điều trị bắt buộc Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương 2, cũng cho rằng để xảy ra những trường hợp người bị bệnh tâm thần phạm tội, nhiều khi một phần do thiếu sự quan tâm của gia đình. Có những trường hợp bệnh tình của bệnh nhân đã giảm, người nhà muốn đưa về nhà để tự chăm sóc. Thế nhưng, nhiều lúc do cuộc sống khó khăn, gia đình mải lo làm ăn nên không theo dõi chặt chẽ bệnh nhân tâm thần và cuối cùng để xảy ra hậu quả đáng tiếc.
“Trong đà phát triển của xã hội, với những áp lực vì công việc, học hành, rồi hậu quả của việc dùng rượu, ma túy tràn lan cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người bị ảnh hưởng về mặt tâm thần…”- bác sĩ Quang nói.
“Cò”… bệnh nhân tâm thần Trước cổng Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, thời gian trước đây có những người làm nghề xe ôm kiêm luôn cả việc đón lõng, chặn khách đến chữa bệnh tâm thần rồi chèo kéo, giới thiệu vào điều trị ở các phòng khám tư nhân. Nhận được phản ánh từ người dân, lực lượng công an trên địa bàn đã theo dõi và xử lý khá rốt ráo tình trạng này. Hiện, theo tìm hiểu thực tế của chúng tôi, những tay “cò” này vẫn còn hoạt động nhưng không “chuyên nghiệp” như trước, chỉ dắt mối khi có người hỏi tìm chứ không còn ngang nhiên chèo kéo, gây lộn xộn. Trước đó, một phòng khám tư nhân chuyên khám bệnh tâm thần tại đây cũng đã bị cơ quan chức năng rút giấy phép vì những sai phạm nghiêm trọng như: người khám không phải là bác sĩ, bán thuốc cho bệnh nhân không đúng, truyền dịch không đúng quy định…
Bình luận (0)