Ông Phạm Công Bằng, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải thủy Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết tàu buýt đường sông đầu tiên thuộc tuyến số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) sắp được hạ thủy để chạy thử và vận hành kỹ thuật trước khi bàn giao cho chủ đầu tư đưa vào hoạt động chính thức.
Bảo đảm an toàn
Tuyến số 1 thuộc dự án 2 tuyến vận tải hành khách công cộng đường thủy nội địa do Công ty TNHH Thường Nhật là chủ đầu tư. Nhiều năm nghiên cứu và chuẩn bị, tuyến buýt đường sông này dự kiến đưa vào hoạt động chính thức vào tháng 8-2017, sau khi việc chạy thử, vận hành kỹ thuật thực hiện xong. Ông Phạm Công Bằng cho biết những điều kiện về an toàn kỹ thuật như chất lượng phương tiện, kỹ năng người lái tàu, luồng tuyến... của tuyến buýt này được các đơn vị đặt lên hàng đầu nên phải kiểm tra kỹ trước khi đưa vào khai thác. "Mọi hoạt động đều phải tuân thủ quy định trong vận tải hành khách đường thủy. Trong đó, việc vận hành cũng có quy trình cụ thể, giao trách nhiệm cho từng bộ phận lái tàu, thủy thủ, tiếp viên" - ông Bằng nói.
Tàu buýt đường sông đang được đơn vị thi công hoàn thiện
Tổng quan về tuyến buýt đường sông số 1 là lộ trình từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến Linh Đông (quận Thủ Đức) dài 10,8 km, chạy dọc sông Sài Gòn qua địa bàn các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Vị trí bến bãi, trạm dừng cũng đã được chủ đầu tư thông tin cụ thể gồm: Bến trung tâm Bạch Đằng, bến số 1-2 (Sài Gòn Pearl), bến số 1-3 (Bình An), bến số 1-4 (Thảo Điền), bến số 1-5 (Tầm Vu), bến số 1-6 (Thanh Đa), bến số 1-7 (Bình Triệu), bến số 1-8 (Hiệp Bình Chánh), bến số 1-9 (Linh Đông).
Theo ghi nhận của phóng viên, trong số các bến bãi nói trên, hiện việc thi công ở điểm đầu (bến Bạch Đằng) và điểm cuối (Linh Đông) đã cơ bản hoàn tất. Tại khu vực bến Bạch Đằng, điểm đón - trả khách được thiết kế bởi một giàn nổi ven bờ sông. Điểm đón - trả khách này được bố trí kế bên một bãi giữ xe chung đã xây dựng trước đây nên khá thuận tiện để hành khách gửi xe rồi di chuyển bằng buýt đường sông. Còn tại khu vực Linh Đông - điểm cuối của tuyến buýt được xây dựng gần bến đò ngang sông Bình Quới - cũng thiết kế với một giàn nổi bằng thép trên mặt sông. Đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính và đang thi công hệ thống mái che, cải tạo lối lên, xuống... Trong khi đó, ghi nhận ở một số vị trí khác được bố trí làm trạm dừng cho tuyến buýt này hiện việc thi công đang khá im ắng.
Theo ông Phạm Công Bằng, các vị trí làm bến bãi của tuyến buýt số 1 đều bố trí bãi giữ xe cho hành khách và hiện một số bến đã có kết nối với đường bộ bằng xe buýt như Bạch Đằng, Linh Đông. Còn những bến chưa có kết nối, nhà đầu tư đã đề xuất sử dụng xe buýt điện hoặc liên hệ với đơn vị vận tải bố trí lộ trình cho xe buýt chạy vào. Ông Bằng cũng thông tin trong quá trình đưa vào hoạt động tuyến buýt này, những hạng mục, công trình nào chưa xong sẽ được chủ đầu tư dần hoàn thiện.
Đưa 5 tàu vào khai thác
Theo ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, tuyến buýt đường sông số 1 sẽ có 5 tàu được đưa vào khai thác, mỗi tàu 80 chỗ và trong số này có 4 tàu được tổ chức vận chuyển hằng ngày và một tàu dự bị. Ông Toản cho biết thời gian di chuyển từ điểm đầu đến điểm cuối của toàn tuyến mất khoảng 30 phút và thời gian mỗi tàu cập bến đón - trả khách giới hạn trong khoảng 3 phút.
Trước đó, tại buổi khảo sát công tác chuẩn bị tại xưởng đóng tàu của Công ty TNHH TM Tân Viễn Đông - nơi đóng những chiếc tàu phục vụ 2 tuyến buýt sông ngày 19-7, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, yêu cầu các đơn vị trước mắt phải thực hiện đồng bộ cơ sở hạ tầng để hoàn chỉnh.
Theo ông, tâm lý của nhiều người lần đầu tiếp cận với một loại hình đi lại mới là rất quan trọng. Vì vậy, nếu không để người dân cảm thấy an toàn, tiện lợi ngay trong lần đầu tiếp cận buýt đường sông thì họ sẽ dễ rời bỏ và khi muốn thu hút lại càng khó hơn.
Theo nhiều chuyên gia giao thông, những tích cực của tuyến buýt này là giúp chia tải cho giao thông đường bộ cũng như tạo đà để phát triển du lịch. Tuy nhiên, để duy trì và đạt được hiệu quả cao, các đơn vị phải có phương án kết nối giữa đường bộ và đường thủy thông qua hệ thống xe buýt, bến bãi… Trong khi đó, tương tự như loại hình buýt đường bộ, buýt đường sông cũng phải hoạt động theo đúng lộ trình dù ít hay nhiều khách nên chi phí sẽ khá cao. Chưa kể các vấn đề liên quan đến luồng tuyến, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông thủy khác nên cần nghiên cứu cụ thể để bảo đảm an toàn.
Lịch sử dự án
Năm 2001, Sở GTVT TP HCM đề xuất xây dựng các tuyến vận tải hành khách công cộng đường sông nhằm tận dụng lợi thế TP có hệ thống sông, kênh, rạch dày đặc và mục đích giảm tải cho giao thông đường bộ. Tuy nhiên, ý tưởng này đã không thể thực hiện vào thời điểm trên do gặp nhiều vướng mắc trong xây dựng hạ tầng, bến bãi, phương tiện... Năm 2010, Công ty TNHH Thường Nhật đề xuất mở thí điểm 2 tuyến vận tải hành khách công cộng hoạt động trên sông Sài Gòn và đã được UBND TP thông qua, giao Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (SAMCO) phối hợp Công ty TNHH Thường Nhật nghiên cứu.
Tuy nhiên, năm 2012, Công ty TNHH Thường Nhật có văn bản gửi Sở GTVT xin cho tạm dừng dự án vì gặp nhiều khó khăn. Đến tháng 7-2015, một lần nữa, dự án này được Công ty TNHH Thường Nhật đề xuất ký hợp đồng theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). UBND TP tiếp tục thông qua và giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, trong đó có đánh giá về việc tận dụng lợi thế địa hình sông, rạch chằng chịt của TP. Sau khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án và tổ chức đàm phán, ngày 31-5-2017, Sở GTVT và Công ty TNHH Thường Nhật chính thức ký kết hợp đồng BOO về dự án đầu tư 2 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy nói trên ở địa bàn TP. Tuyến số 1 chuẩn bị đưa vào khai thác, còn tuyến số 2 dự kiến năm 2018 sẽ khởi công.
Bình luận (0)