Dự thảo có 10 chương, 92 điều quy định rõ về phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước; cơ quan giải quyết bồi thường, đặc biệt là trách nhiệm hoàn trả của người gây thiệt hại.
Theo ông Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, dự thảo đã bổ sung nhiều điều khoản có lợi cho người dân như: Khi thương lượng giữa cơ quan gây thiệt hại và người dân sẽ có nhiều thành phần tham dự thay vì chỉ 2 thành phần. Trụ sở giải quyết thương lượng là UBND xã, phường thay vì cơ quan gây thiệt hại. Thời hạn giải quyết từ 125 ngày còn 75 ngày. Trước đây, người yêu cầu được bồi thường phải nộp giấy tờ chứng minh hành vi sai phạm của bên gây thiệt hại thì trong dự thảo quy định cơ quan nhà nước phải cung cấp các văn bản hành chính; mở rộng phạm vi phục hồi danh dự…
Tại hội thảo, các chuyên gia nêu nhiều điểm cần chỉnh sửa trong dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. TS Nguyễn Thị Thu Vân, giảng viên Trường ĐH Hòa Bình, cho rằng phạm vi trách nhiệm bồi thường ở dự thảo còn thu hẹp vì chỉ xác định “người thi hành công vụ gây ra” trong khi theo Hiến pháp, mọi người đều có quyền khiếu nại kể cả cơ quan, tổ chức. Không phải tất cả hành vi của “người thi hành công vụ” gây thiệt hại đều dẫn đến trách nhiệm bồi thường của nhà nước vì nhiều trường hợp là hành vi cá nhân, không liên quan đến thi hành công vụ. Điều này dự thảo luật chưa quy định.
Ông Dương Đăng Huệ - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế thuộc Bộ Tư pháp - cho rằng một công chức làm sai có 2 cơ chế trách nhiệm để bồi thường, một là theo Bộ Luật Dân sự, hai là Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Không phải bất cứ công chức nào làm sai đều áp dụng luật này và lấy tiền nhà nước ra bồi thường. Ông Huệ lấy ví dụ một cán bộ làm nhiệm vụ lái xe chở lãnh đạo đi họp nhưng tông chết người thì phải áp dụng luật dân sự chứ không thể Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Góp ý dự thảo, ông Hoàng Thế Liên cho rằng trong dự thảo luật còn hạn chế quyền con người ở 2 điểm. Thứ nhất, hầu như chỉ giải quyết theo con đường hành chính, khi thương lượng thành thì không được kiện ra tòa. Thứ hai, không có quyền khởi kiện trong trường hợp quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật. Quyền kiện ra tòa là quyền con người. Hạn chế quyền này là hạn chế quyền con người.
13 triệu người thuộc nhóm yếu thế
Bà Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam, cho biết ở nước ta có khoảng 13 triệu người thuộc nhóm yếu thế là những lao động nghèo, có trình độ học vấn thấp, chưa qua đào tạo nghề, người khuyết tật, bệnh tật... Nhiều người bị thiệt hại về sức khỏe, tinh thần, phân biệt đối xử khi dính líu đến pháp luật nhưng những rào cản về tiếp cận thông tin, pháp luật, nghèo đói... khiến công lý là sự xa vời, gian khó. Dự thảo cần có những bổ sung để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của những người yếu thế.
Bình luận (0)