Không giống như những người dưới xuôi khi ngày Tết họ thường đến những các cửa hàng, hiệu may để sắm cho mình những bộ cánh ưng ý để chơi Tết, các thiếu nữ dân tộc, đặc biệt là thiếu nữ người Mông, trên các rẻo cao ở các huyện miền Tây Thanh Hóa đều phải tự thêu thùa cho mình những bộ váy áo để đi du Xuân. Đó cũng là một phong tục truyền thống có từ ngàn đời của dân tộc này.
Trước đây, người Mông thường ăn Tết rất sớm, cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, ngô trên nương về (thường bắt đầu tháng Chạp) là họ bắt đầu la đà vào những cuộc say sưa ngày Tết bên những bếp lửa hồng. Nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, được sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng, người Mông đã bỏ dân phong tục ăn Tết dài ngày mà dần chuyển sang ăn Tết nguyên đán giống người Kinh.
Một thiếu nữ người Mông đang tự chuẩn bị cho mình bộ cánh chơi Tết
Ngay cả các bà mẹ trẻ cũng hào hứng với việc tự làm cho mình bộ áo váy mới ngày Tết
Từ khoảng 10 tuổi, các bé gái người Mông đã được chị, mẹ và bà truyền lại cho nghề thêu. Con gái Mông duyên dáng, khéo léo thể hiện qua những đường thêu
Để cùng với bạn bè tung tăng xuống phố, đi chơi với bạn tình trong những ngày Tết, thiếu nữ Mông phải tự tay đan khăn, thêu thùa tạo thành chiếc váy cho riêng mình trong các dịp lễ Tết. Những ngày Tết mỗi cô gái Mông phải có cho mình ít nhất 2 bộ váy, còn đi lấy chồng thường phải có 3 - 5 bộ.
Lang thang trên các bản Sài Khao, Trung Thắng, xã Mường Lý thuộc huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, những ngày cuối năm, đi đến đâu chúng tôi cũng thấy người già, các em gái nhỏ… thoăn thoắt tay thêu bên những hiên nhà. Gặp chúng tôi Sùng A Quế (ngụ bản Sài Khao) khoe biết thêu váy áo từ năm 10 tuổi, nay Quế đã 13 tuổi và cũng đã nên thêu rất giỏi.
Còn Vàng A Như chia sẻ: "Chúng em thường thêu thùa quanh năm, nhưng thời gian thêu thường xuyên và vào những ngày cuối năm.Thời gian này, ngô, lúa nương đã thu hoạch hết nên rỗi việc”.
Theo em Vàng A Sung, việc thêu váy áo mất rất nhiều thời gia, váy mỏng thường may khoảng nửa năm còn váy dày mất cả năm trời. Thường thì váy dày được các thiếu nữ may để sau này về làm dâu nhà chồng. “Các em gái lúc dưới 10 tuổi thường được bố mẹ cho váy áo, nhưng bắt đầu 10 tuổi các em phải tự may để mặc” - Vàng A Sung kể.
Váy của đồng bào người Mông rất sặc sõ với nhiều nét hoa văn, trong đó chủ yếu như hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi, hình xoáy ốc, tùy theo óc tưởng tượng và độ khéo léo của người thêu. Màu sắc chủ đạo là màu hồng, xanh, đen, vàng, tím… Các thiếu nữ Mông cho biết để có bộ áo váy đẹp nhất thiết phải có thắt lưng, tấm vải che trước váy, xà cạp quấn chân. Với người Mông, đây là cách thể hiện ý tứ và sự kín đáo của người phụ nữ.
Theo các già làng, trưởng bản người Mông ở Mường Lát thì chiếc váy, áo là biểu tượng cho sự duyên dáng, bàn tay chăm chỉ và đức tính cần cù của người thiếu nữ Mông.
Bình luận (0)