Trong phiên chất vấn sáng nay 16-11, trả lời chất vấn của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về nội dung đổi mới thi cử, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định thi trắc nghiệm là hình thức thi ưu việt nhất nhưng quan điểm này không được các ĐB đồng tình.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cung cấp những thông tin để thấy thực trạng của việc thi trắc nghiệm. “Học sinh thi về nói với tôi chỉ thích thi trắc nghiệm thôi. Phòng thi của chúng cháu sẽ chọn ra một bạn học giỏi nhất cho xức thật nhiều dầu gió. Cứ phương án 1 bạn ấy ho 1 tiếng, cả phòng tích vào phương án 1, phương án 2 ho 2 tiếng và trong quy chế thi không ai cấm thí sinh ho. Cho nên chỉ cần 1 bạn làm được bài thì cả phòng làm được bài. Thế thì có phải là phương án ưu việt hay không, thưa Bộ trưởng?”.
Theo ĐB, bộ nói thi trắc nghiệm là hình thức ưu việt tuyệt đối nhưng thực tế ngược lại. Về lý thuyết không phát huy tính tích cực chủ động của học sinh vì môn tự nhiên không rèn luyện được kỹ năng thực hành trong khi các trường THPT tốn rất nhiều tiền xây dựng phòng học bộ môn đạt chuẩn để thực hành nhưng thực hành không có trong chương trình thi trắc nghiệm. Môn học ngoại ngữ cũng không rèn luyện được kỹ năng nghe nói trong khi đó lại có thêm tư duy thi trắc nghiệm đối với môn văn là không cần thiết.
Về quan điểm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng thi trắc nghiệm có tác dụng đánh giá học sinh một cách công bằng, tránh gian lận trong thi cử, ĐB Nga khẳng định thực tế đang diễn ra ngược lại thông qua ví dụ đã nêu ở trên.
Liên quan đến vấn nạn dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhận được nhiều chất vấn nhưng chưa làm hài lòng ĐB với phần trả lời của mình, mặc dù đã liên tục nhận trách nhiệm.
ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) đặt câu hỏi: “Là tân Bộ trưởng, Bộ trưởng có giải pháp và quyết tâm nào để nâng cao chất lượng giáo dục, giải toả bức xúc của dư luận về tình trạng học thêm, dạy thêm?”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận dạy thêm, học thêm là vấn đề bức xúc từ lâu, có những trường hơp là nhu cầu tự thân, chỉ chống hiện tượng dạy tràn lan không đúng mục tiêu mục tiêu. Bộ đã đã có thông tư 17 và các chỉ thị chấn chỉnh, do đó đến nay dạy thêm, học thêm có xu hướng đi vào ổn định hơn nhưng luôn tiềm ẩn hiện tượng biến tướng. “Trách niệm của Bộ trưởng phải sát sao để cùng lãnh đạo địa phương tăng cường giám sát. Nhưng giải pháp gốc là phải chỉnh lại chương tình cho gọn nhẹ, Bộ đang rà soát chương trình SGK mới để loại bỏ những nội dung không phù hợp”. Đồng thời, Bộ trưởng khẳng định trong vấn nạn này cần đề cao cả trách nhiệm của các địa phương, Bộ không thể đi đến từng thầy cô để kiểm tra, giám sát.
Không đồng tình, ĐB Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) tranh luận: “Bộ trưởng cho rằng dạy thêm, học thêm đã đi vào ổn định hơn thì xin cho biết rõ hơn thế nào. Còn Bộ trưởng nói đây chưa phải vấn đề gấp, tôi không đồng tình”. ĐB cho biết thêm tại Hà Nội hiện nay, tình trạng dạy thêm, học thêm đang rất bức xúc, nhiều trường hợp xuất phát từ động cơ vụ lợi, ép học sinh học thêm bằng cách này cách khác. Nhiều cơ sở dạy thêm phát triển tràn lan do quản lý lỏng lẻo.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng các giải pháp Bộ trưởng nêu ra để hạn chế tình trạng dạy thêm không phải giải pháp căn cơ. “Việc dạy thêm hiện nay đang được chuyển sang hình thức tự nguyện. Phụ huynh phì cười bảo ai chả tự nguyện, phải ký đơn để được học thêm ở chính lớp trường đó, trẻ em Việt Nam không có tuổi thơ. Bộ trưởng có giải pháp gì để chấn chỉnh ngay trong nhiệm kỳ này”- ĐB Cương chất vấn.
Bình luận (0)