xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thích “xã hội đen” hơn thi hành án

Phương Nhung - Thế Kha

Mặc dù việc nhờ vả “xã hội đen” đòi nợ tốn chi phí lớn nhưng vẫn được khá nhiều doanh nghiệp ưa chuộng vì sự nhanh chóng và khả năng thành công lớn hơn các hình thức khác

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào ngày 3-3 về thực tế tình hình thu hồi nợ đọng tại các doanh nghiệp (DN), ông Nguyễn Minh Đức, cán bộ Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết hiện có 3 hình thức đòi nợ phổ biến, gồm khởi kiện, thu nợ qua các dịch vụ hợp pháp và sử dụng “xã hội đen”.

Tỉ lệ thành công 80%-90%

Theo kết quả khảo sát thông qua phương pháp phỏng vấn sâu và thu thập dữ liệu từ các cơ quan liên quan của VCCI, hiện tỉ lệ thành công khi đòi nợ thông qua phương pháp khởi kiện là 50%-60%, trong khi tỉ lệ này ở dịch vụ đòi nợ hợp pháp là 70%-80%, thông qua “xã hội đen” là 80%-90%.

Ngoài ra, nếu so sánh về thời gian thì phương pháp sử dụng “xã hội đen”  lợi thế là có thể đòi được nhanh chóng trong khi đòi nợ hợp pháp thông qua thuê dịch vụ tốn mất 15-20 ngày, khởi kiện có thể kéo dài đến 400 ngày.

Theo một khảo sát nhanh khác của VCCI với 49 phiếu hỏi và thu về thì chỉ có 11 phiếu lựa chọn phương án khởi kiện và thi hành án; 30 phiếu lựa chọn đòi nợ hợp pháp và 8 phiếu lựa chọn sử dụng “xã hội đen”. Như vậy, số lượng lựa chọn hình thức khởi kiện còn khá hạn chế và nhiều DN vẫn có xu hướng sử dụng “xã hội đen”.

Theo ông Đức, có nhiều hình thức được “xã hội đen” sử dụng để đòi nợ như bắt con nợ và đánh; dọa bắt cóc con cái, thân nhân, gia đình.

“Do tính chất đó nên khả năng đòi nợ của hình thức này tương đối cao, tất nhiên phần chi phí dịch vụ bất hợp pháp này cũng rất lớn, thường từ 40%-70% giá trị khoản nợ” - ông Đức nói.

Với hiệu quả như thế nên theo ông Đức, có trường hợp công ty đòi nợ hợp pháp cũng sử dụng “xã hội đen” để có thể thu hồi nợ nhanh hơn.

Lực lượng Công an TP Hải Phòng ngăn chặn một vụ đòi nợ thuêẢnh: Trọng Đức
Lực lượng Công an TP Hải Phòng ngăn chặn một vụ đòi nợ thuêẢnh: Trọng Đức

Thắng kiện trên “giấy”

Thực tế, nếu so sánh chi phí giữa 3 hình thức thu hồi nợ nói trên thì việc khởi kiện ít tốn kém nhất (chỉ khoảng 20%-30% giá trị khoản nợ), trong khi chi phí cho dịch vụ đòi nợ hợp pháp là 20%-50%, cho “xã hội đen” có thể lên đến 40%-70%. Tuy vậy, việc các DN ngày càng ít sử dụng phương thức khởi kiện và thi hành án cũng do nhiều nguyên nhân.

Ông Đức cho biết các thủ tục khởi kiện, thi hành án ở tòa quá mất thời gian so với các hình thức khác trong khi thời gian đối với DN chính là “chi phí cơ hội”. Mất thời gian cho hoạt động tố tụng sẽ khiến DN bỏ lỡ hoặc không tập trung được vào hoạt động chính, chưa kể nhiều DN phản ánh tòa xử không chính xác, chậm thi hành án.

Theo đánh giá của luật gia Vũ Xuân Tiền, DN thực chất bị thiệt hại nhiều hơn khi khởi kiện vì đa số không thi hành án được mà vẫn phải chịu án phí. Con nợ sau khi bị tuyên án thường rơi vào 2 trường hợp khiến án không được thi hành, đó là: không còn tài sản để trả nợ hoặc tẩu tán tài sản thông qua chuyển sở hữu sang người thân trong gia đình.

“Tòa chỉ quyết định thi hành án với tài sản nổi như nhà đất, tài khoản ngân hàng… mang tên con nợ. Khi không còn tài sản thì không thể thi hành án được. Như vậy, DN đòi nợ chỉ được xử thắng trên giấy chứ không đòi được thực nợ” - ông Tiền chỉ ra.

Ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), thừa nhận rất nhiều vụ việc khó thi hành do án được tuyên không rõ ràng hoặc tuyên nhưng không có tài sản bảo đảm thi hành.

“Cơ quan thi hành án chỉ thực hiện phần sau của bản án. Vì thế, những bản án không có tài sản đã niêm phong, kê biên thì khi được yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án sẽ gặp nhiều khó khăn” - ông Thủy nói.

Cần cơ chế khắc phục

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng cần có cơ chế kiểm soát đối với những chấp hành viên thi hành án dân sự; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân. Cho nên, khi sửa Luật Thi hành án dân sự phải đưa ra các cơ chế để bảo đảm việc thi hành án đạt hiệu quả cao, chứ không thể “nhờ nhờ” như hiện nay.

Ông Thủy cho biết những bất cập trong quy định hiện hành sẽ được điều chỉnh trong quá trình sửa đổi Luật Thi hành án dân sự đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến. Trong dự thảo, Bộ Tư pháp dự kiến sẽ đưa ra các quy định để ràng buộc trách nhiệm của cơ quan tòa án vào tính khả thi của bản án.

Theo đó, ngay sau khi ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc bản án, quyết định thuộc diện được thi hành ngay thì tòa án phải gửi bản án, quyết định cho chánh án tòa án có thẩm quyền ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành kèm theo biên bản kê biên, tạm giữ tang vật, tài sản, các tài liệu khác có liên quan (nếu có) cho cơ quan thi hành án dân sự… Nếu phát hiện quyết định đưa bản án, quyết định thi hành không đúng hoặc bản án, quyết định tuyên không rõ, không thể thi hành được hoặc không đủ tài liệu theo quy định thì cơ quan thi hành án dân sự có thể trả lại cho tòa án.

Chủ động thẩm định trước khi cho vay

Theo luật gia Vũ Xuân Tiền, nếu DN đòi nợ thông qua “xã hội đen” và để lại hậu quả thì sẽ bị xử lý hình sự. Hiện pháp luật chưa có cách nào thật sự hiệu quả để hạn chế hoạt động đòi nợ thuê của “xã hội đen” và DN cần cẩn trọng không nên vì muốn đòi nợ nhanh mà đi theo con đường này. DN chỉ có cách chủ động thẩm định thông tin, khả năng tài chính của đối tượng vay để tránh gặp phải rủi ro khi cho vay.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo