Về lý do tăng giá xăng lần mới nhất này, Bộ Tài chính lý giải bằng điệp khúc cũ: Do giá nhiên liệu thế giới tăng cao và lẽ ra phải tăng đến 910 đồng/lít (A92) chứ không phải 410 đồng/lít, nhờ dùng đến 500 đồng/lít từ quỹ bình ổn (!).
Một ngày sau khi Bộ Tài chính đồng ý tăng giá xăng dầu, giá nhiên liệu thế giới đã giảm (dầu Brent ngày 8-7 còn 108,94 USD/thùng, giảm gần 1,2% so với ngày trước - theo Oil-Price.Net). Thật ra, giá thế giới tăng là lý do bề nổi, còn nguyên nhân ngầm thì khác. Đó là kỹ xảo của các nhà kinh doanh và những nhập nhèm, bất hợp lý trong cơ cấu giá.
Xâu chuỗi các đợt điều chỉnh giá trong nhiều tháng thì thấy khá rõ: Khi giá thế giới giảm, các nhà kinh doanh xăng dầu đủng đỉnh giảm giá theo, cốt để bán hết hoặc bán càng nhiều càng tốt lượng hàng cũ với giá hiện hữu nhưng lúc giá thế giới tăng thì lập tức tăng giá theo ngay để đẩy lượng hàng cũ trong kho (nhập về với giá trước đó rẻ hơn) ra thị trường với giá bán mới, cao hơn, lãi nhiều hơn. Với 2 chiêu thức thông thường này, doanh nghiệp (DN) xăng dầu chẳng hề thiệt khi giá thế giới biến động. Ngoài ra còn nhiều đòn phép khác nữa, như cách tính định mức hao hụt, giá chuyển vùng, định mức lợi nhuận, hoa hồng đại lý, đo thừa đong thiếu...
Giá xăng tại nước ta đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay: 25.640 đồng/lít (vùng 1) và 26.150 đồng/lít (vùng 2), đang cao hơn ở Mỹ gần 4.000 đồng/lít, dù chưa phải là loại cao nhất thế giới nhưng tính trên thu nhập bình quân đầu người thì gần như vô địch thiên hạ. Yếu tố chính là do thuế, phí quá cao với gần chục khoản, chiếm đến 38% giá thành (tương ứng 10.743 đồng). Thuế, phí nhiều thì giá bị đẩy lên và người mua phải chịu, DN xăng dầu chẳng phải lo.
Trước đây, Việt Nam nhập xăng dầu hoàn toàn, về sau đã có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, cung ứng được khoảng 1/3 nhu cầu nội địa. Vậy mà giá xăng dầu trong nước vẫn tăng một cách say sưa! Việc tăng giá tác động dây chuyền lên tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh và đổ dồn lên vai người tiêu dùng đầu cuối.
Có bên chịu thiệt, ắt có bên được lợi. Các DN xăng dầu, lớn nhất là Petrolimex đang chiếm 50% thị phần, đã không giấu giếm lợi nhuận từ ngành hàng này. Năm 2013, tập đoàn này đạt tổng lợi nhuận hợp nhất 2.021 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đến từ khối kinh doanh xăng dầu đạt trên 1.300 tỉ đồng; đặt mục tiêu đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2014 là 2.000 tỉ đồng. Khoản lợi nhuận quá lớn đó đến từ đâu nếu không nhờ tăng giá? Đáng nói, DN xăng dầu luôn nêu ra mức chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ để đòi tăng giá (theo Nghị định 84/NĐ-CP) “nhằm cắt lỗ” nhưng khi tổng kết 6 tháng hay cả năm thì họ luôn báo lãi, thậm chí lãi to. Ai cũng thấy sự vô lý này, lẽ nào cơ quan quản lý nhà nước không thấy?
Bình luận (0)