xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thiệt hại nặng nề do mưa lũ

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đợt mưa lũ lớn ở miền Trung dự kiến còn kéo dài đến hết ngày 5-11. Thiệt hại mà các địa phương đang hứng chịu là vô cùng lớn

Tại tỉnh Quảng Nam, nước lũ đổ về và lên nhanh trong ngày 3-11 khiến huyện Nam Trà My chìm trong nước.


Sạt lở trên Quốc lộ 40B gây chia cắt các địa phương trong huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Trần Thường

Sạt lở trên Quốc lộ 40B gây chia cắt các địa phương trong huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Trần Thường

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết nước lũ chảy xiết làm cho Quốc lộ 40B sạt lở nghiêm trọng với trên 20 điểm, các địa phương khác bị chia cắt hoàn toàn. Mưa lũ cũng khiến các mạng di động bị tê liệt; nhiều diện tích hoa màu hư hại, nhiều công trình thủy lợi bị cuốn trôi. Tại huyện Bắc Trà My, theo thống kê đến chiều ngày 3-11, mưa lũ cũng khiến tuyến Quốc lộ 40B bị hư hỏng nặng; 2 ngôi nhà người dân bị cuốn trôi; nhiều diện tích hoa màu, cây trồng bị lũ phá. Ước thiệt hại của 2 huyện Nam và Bắc Trà My hàng chục tỉ đồng.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, ông Phan Văn Ơn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, xác nhận đã có 4 ngư dân mất tích trên biển, các lực lượng chức năng phối hợp với nhiều tàu cá ngư dân tìm kiếm nhưng chưa thấy. Trước đó, ngày 1-11, tàu cá QNg 94470 TS của ông Nguyễn Tình (51 tuổi; ngụ huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) trong lúc di chuyển trên vùng biển cách đảo Cù Lao Chàm, do thời tiết xấu, tàu xô lắc mạnh làm 3 thuyền viên rơi xuống biển mất tích. Cũng do thời tiết xấu, biển động mạnh, ngày 2-11, ngư dân Lê Xuân Thiều (27 tuổi; ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) làm việc trên tàu cá QNg94965 TS của ông Nguyễn Tản (ngụ xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) bị rơi xuống biển.

Nhiều địa phương của tỉnh Bình Định cũng ngập sâu trong nước. Tại TP Quy Nhơn, đến trưa 3-11, do nước từ thượng nguồn đổ về nên một số khu vực nhà dân ở các phường Trần Quang Diệu, Nhơn Phú, Nhơn Bình… bị ngập sâu. Trên nhiều tuyến đường trong nội thành, cây xanh bị quật ngã hàng loạt, nhiều đoạn bị ngập nước đến 1 m dẫn đến giao thông chia cắt. Còn tại huyện Tuy Phước và thị xã An Nhơn, có nhiều thôn bị cô lập, nhiều khu vực nước ngập trên 1 m. Đặc biệt, tại huyện Tuy Phước, mưa lũ đã làm hơn 30.000 học sinh các cấp phải nghỉ học và 15.000 công nhân ở các xã khu Đông của huyện Tuy Phước nghỉ làm do không thể đi lại được. Tại 4 huyện gồm Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Phù Mỹ và Hoài Nhơn, mưa lũ đã làm sập 2 nhà, 12 km đường giao thông nông thôn bị sạt lở với khối lượng 4.600 m3; 5,5 m kênh mương, 11 đập dâng bị sạt lở; 128 đập tam, đập bổi bị cuốn trôi; hơn 1.300 ha lúa và hoa màu bị ngập; gần 4.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi…


Nhiều nơi ở Quảng Bình vẫn còn ngập nặng, chia cắt. Ảnh: Tâm Phùng

Nhiều nơi ở Quảng Bình vẫn còn ngập nặng, chia cắt. Ảnh: Tâm Phùng

Đáng chú ý, tại tỉnh Quảng Bình, dù nước rút xuống nhưng đến cuối ngày 3-11, nhiều nơi vẫn còn chìm trong biển nước. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, đến ngày 3-11, toàn tỉnh còn gần 20.000 nhà bị ngập. Nhiều vị trí trên tuyến đường giao thông như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 12A, 15... bị sạt lở, giao thông chia cắt.

Cũng trong ngày 3-11, mưu lũ lớn cộng với việc xả lũ ồ ạt của các thủy điện đã làm một số tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ chìm sâu.


Cầu Phú Kiểng ở xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bị nước lũ cuốn trôi. Ảnh: Kỳ Nam

Cầu Phú Kiểng ở xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bị nước lũ cuốn trôi. Ảnh: Kỳ Nam

Khánh Hòa là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tối 3-11, ông Nguyễn Văn Đồng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa - cho biết mưa lớn đã làm sạt lở 11 điểm ở tuyến đường Khánh Lê - Lâm Đồng (Quốc lộ 27, nối Nha Trang - Đà Lạt) khiến giao thông tê liệt. Huyện đã di dời hàng chục hộ dân khỏi các điểm sạt lở, ngập nước đến nơi an toàn. Thống kê ban đầu thiệt hại hơn 40 ha hoa màu. Còn tại TP Nha Trang, trưa 3-11, lực lượng chức năng đã cứu được 4 ngư dân trên tàu cá KH 03033TS của ông Trần Ngọc Ký (phường Vĩnh Phước) bị nước lũ đánh chìm trên cửa sông Cái. Một tàu cá khác mang biển số KH 96166TS cũng bị lũ cuốn ra cửa biển, mắc cạn trên bờ biển Nha Trang. Bên cạnh đó, lũ lên nhanh đã khiến cầu gỗ Phú Kiểng (xã Vĩnh Ngọc) dài 300 m bắc qua sông Cái bị sập, chia cắt 3 thôn Hòn Nghê 1, Hòn Nghê 2, Xuân Ngọc.Tại các xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung, Vĩnh Phương, nước lũ cũng chia cắt nhiều nơi. Người dân phải thuê thuyền để vào nhà.

Mưa lũ cũng đã gây sạt lở nhiều tuyến đường ở Kon Tum. Cụ thể, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum, tính đến chiều 3-11, toàn tỉnh ghi nhận 32 điểm sạt lở do mưa lũ tại các huyện Đắk Glei, Kon Plông. Hiện khu vực các xã phía Đông, Đông Bắc của các huyện Đắk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông đang chịu ảnh hưởng nhiều của mưa lũ nên có nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét và sạt lở đất.


Người dân Gia Lai băng đường chạy lũ. Ảnh Hoàng Thanh

Người dân Gia Lai băng đường chạy lũ. Ảnh Hoàng Thanh

Tại Đắk Lắk, mưa lũ lớn kéo dài trong 2 ngày qua cũng khiến mực nước các sông, suối lên nhanh gây ngập lụt nhiều huyện vùng sâu như Krông Bông, Ea Kar, M’Đrắk… Ít nhất 1 người chết do bị nước lũ cuốn trôi. Nạn nhân là anh Đào Văn Hòa (26 tuổi; ngụ thôn 7, xã Cư Yang, huyện Ea Kar), trong lúc đi đánh cá bị nước lũ cuốn trôi..

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo