Đến chiều 3-11, thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) đã xả lũ với lưu lượng 10.000 m3/giây. Nếu cộng với lưu lượng xả nước chạy máy của 2 thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh thì lưu lượng nước đổ về hạ lưu sông Ba lên đến khoảng 11.000 m3/giây, đã làm cả một vùng rộng lớn thuộc các huyện Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa và TP Tuy Hòa bị ngập.
Dồn dập xả lũ
Trong ngày 3-11, mưa lớn tiếp tục đổ xuống các tỉnh phía Bắc Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Trong khi đó, các thủy điện lại xả lũ với lưu lượng lớn. Thủy điện Sông Ba Hạ đã xả lũ với lưu lượng lớn nhất trong 7 năm qua, chỉ sau năm 2009 (thủy điện này đã xả lũ với lưu lượng 14.500 m3/giây). Theo Công ty Thủy điện Sông Ba Hạ, thủy điện nằm ở cuối bậc thang thủy điện trên sông Ba, chịu áp lực về nguồn nước từ các thủy điện trên thượng nguồn. Trong ngày, các thủy điện trên thượng nguồn sông Ba như An Khê - Kanak, Krông H’Năng xả lũ dồn dập nên lưu lượng nước về hồ thủy điện Sông Ba Hạ lên cao. Có thời điểm lưu lượng nước về lên đến trên 10.000 m3/giây, trong khi thủy điện này không có hồ chứa riêng nên buộc phải xả lũ với lưu lượng lớn. Chỉ riêng thủy điện Krông H’Năng đã có thời điểm xả lũ xấp xỉ 2.000 m3/giây.
Điều đáng nói, vào thời điểm chiều 2-11, thủy điện An Khê - Kanak đã xả lũ với lưu lượng 600 m3/giây nhưng lại không thông báo cho trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai biết. Trong công văn hỏa tốc của UBND tỉnh này về việc chấn chỉnh việc vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi và triển khai các biện pháp phòng chống lụt bão cho vùng hạ du đập thủy điện, thủy lợi nêu rõ: “Ngày 1-11, thủy điện An Khê - Kanak bất ngờ xả lũ với mức xả 200 m3/giây và đến 11 giờ ngày 2-11 thì nâng mức xả lũ lên 600 m3/giây nhưng không thông báo cho chủ tịch, trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai biết để chỉ đạo ứng phó lũ lụt do xả lũ hồ chứa. Việc xả lũ đột ngột nói trên rất dễ xảy ra thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân nếu không triển khai kịp thời các biện pháp phòng tránh, ứng phó”. Đến tối 2-11, Thủy điện An Khê - Kanak đã xả lũ với lưu lượng 1.000 m3/giây. Cùng với đó, thủy điện Đak Srông 3A, Đak Srông 3B đã xả nước qua tràn với lưu lượng hàng ngàn mét khối/giây đã làm lũ đổ về hạ lưu sông Ba tăng cao.
“Trước tình hình nguy cấp, chúng tôi yêu cầu thủy điện Sông Ba Hạ tăng lưu lượng xả lũ, sau đó hạ xuống để chủ động đón nước” - ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, nói. Thực hiện theo chỉ đạo, đến cuối giờ chiều 3-11, thủy điện Sông Ba Hạ đã xả lũ xuống cao trình 103,5 m, còn lại 1,5 m so với mực nước thiết kế để đón lũ theo chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên.
Nhiều vùng sẽ ngập đến 3,5 m
Việc xả lũ dồn dập của các thủy điện đã làm nhiều vùng ở hạ du sông Ba ngập sau.
Tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, do thủy điện An Khê - Kanak xả lũ, người dân đã phải di tản trâu, bò, tài sản đến các khu vực cao hơn. Anh Siu Xiêm, người dân địa phương, lo lắng: “Nước lên nhanh quá, mình phải đưa mẹ già và mấy đứa con nhỏ đi lên trường học để lánh”.
Đến cuối ngày 3-11, chính quyền huyện Ia Pa đã đưa tất cả khoảng 30 người dân không chịu di dời tại 12 chòi rẫy bị ngập đến nơi an toàn. “Hôm qua, tôi chỉ nghe phong thanh là có lũ về chứ không chắc chắn nên không kịp dời đi” - ông Trần Văn Lên, một trong số những người này, cho biết.
Thủy điện sông Ba hạ xả lủ góp phần gây ngập hạ lưu. Ảnh: Hồng Ánh
Trong khi đó, tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nhiều con đường đã ngập từ 0,5 - 0,7 m, giao thông tê liệt. Nhiều khu dân cư thuộc các huyện Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa, TP Tuy Hòa cũng đã bị ngập nặng; người dân phải vận chuyển đồ đạc để tránh lũ. “Nghe thủy điện xả lũ là sợ lắm rồi. Cả ngày nay phải chuyển đồ, nếu không chẳng còn cái để ăn” - bà TrầnThị Mến- ở xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa- cho biết.
Lực lượng cứu hộ tỉnh Phú Yên đã huy động hàng chục canô ứng cứu dọc sông Ba để kịp hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn. Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều 3-11, đã có 7 người mất tích. Trong đó có trường hợp thương tâm là ông Trần Văn Tâm (ngụ phường 6, TP Tuy Hòa) cùng 3 ngư dân khi thấy nước lũ lên nhanh đã vội vã đưa tàu cá của mình từ cảng cá phường 6 băng qua sông Ba để đến cảng cá Đông Tác neo đậu, tránh nước lũ. Khi đến giữa dòng sông Ba thì tàu chết máy, nước lũ làm lật tàu rồi cuốn cả tàu và 4 ngư dân ra biển. Hiện 4 ngư dân này vẫn chưa được tìm thấy.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Phú Yên, trong ngày hôm nay (4-11), mực nước các sông ở Phú Yên tiếp tục dâng, đạt hoặc trên mức báo động 3 từ 2 -3 m. Một số vùng ở Phú Yên sẽ bị ngập sâu đến 3,5 m.
Lâm Đồng: Thủy điện Đa Nhim xả lũ gây thiệt hại nặng
Đập Đa Nhim xả lũ khiến hoa màu người dân huyện Đơn Dương ngập nặng
Ngày 3-11, để chủ động ứng phó với diễn biến thất thường của thời tiết và lượng nước từ thủy điện Đa Nhim dồn về, Công ty Thủy điện Đại Ninh đã xả lũ với lưu lượng 150 m3/giây (lúc 14 giờ), 250 m3/giây (lúc 16 giờ) và 350 m3 (lúc 17 giờ). Việc đập thủy điện Đa Nhim xả lũ làm nước dâng đột ngột gây ngập hoa màu. Hàng trăm hộ dân thuộc khu vực các xã Lạc Xuân, Lạc Lâm, thị trấn Đ’Ran, thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương) gấp rút thu hoạch chạy lũ. Đ.Thi
Chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lũ
Chiều 3-11, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành ven biển từ Bình Định đến Kiên Giang cùng các bộ, ngành chức năng đề nghị tăng cường các biện pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.
Công điện cho biết theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho biết sáng 3-11, trên vùng biển Đông Nam quần đảo Trường Sa đã hình thành một áp thấp nhiệt đới. Dự báo đến 10 giờ ngày 4-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới vào khoảng 9,1 độ vĩ Bắc; 110,0 độ kinh Đông, cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 190 km về phía Đông Nam. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, biển động và mưa giông mạnh; rủi ro thiên tai cấp độ 3. Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh và rãnh áp thấp, các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Bình Thuận và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Để chủ động đối phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, cơ quan trên đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành, các bộ chỉ đạo triển khai, thực hiện việc theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh; kiểm đếm, quản lý việc ra khơi của các tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, các tỉnh Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ tổ chức kiểm tra các hồ chứa nước, nhất là các hồ chứa đang xả lũ; chủ động điều tiết nước bảo đảm an toàn cho công trình và khu vực hạ du.
Bình luận (0)