Nhận thấy được sự hữu hiệu trong việc bảo vệ ngư dân của các thiết bị định vị vệ tinh (ĐVVT), từ nhiều năm nay, nhà nước đã tranh thủ các dự án hợp tác, nguồn vốn để hỗ trợ lắp đặt cho các tàu cá đánh bắt xa bờ (ĐBXB).
“Phủ sóng” thiết bị định vị vệ tinh cho tàu cá
Đến nay, nhà nước đã hỗ trợ lắp đặt 8.000 thiết bị ĐVVT cho tàu cá. Trong đó, 3.000 tàu được lắp đặt miễn phí hệ thống Movimar (dự án từ nguồn vốn ODA của chính phủ Pháp); khoảng 5.000 tàu được hỗ trợ mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, có tích hợp thiết bị ĐVVT.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho rằng hệ thống Movimar phục vụ rất tốt công tác chỉ đạo điều hành, theo dõi hành trình tàu cá của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, rất ít ngư dân duy trì sử dụng thiết bị này do chưa thấy được lợi ích của nó và vì muốn giấu ngư trường. Ông Võ Văn Trác, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, lý giải thêm: “Sử dụng thiết bị Movimar vừa phải nộp phí vừa phải xác nhận nhiều thủ tục rườm rà nên ngư dân không hào hứng”.
Tại sao rất ít ngư dân dùng hệ thống Movimar và thiết bị ĐVVT nói chung? Tỉnh Quảng Ngãi có 305 thiết bị Movimar được phân bổ nhưng phần lớn đã bị gỡ bỏ vì không phát huy hiệu quả. Thay vào đó, ngư dân tự sắm máy định vị dễ sử dụng hơn, chủ yếu là Icom.Ngư dân Huỳnh Văn Danh (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) giải thích: “Khi chúng tôi mở Movimar thì không nghe gì ngoài âm thanh rè rè. Nhiều khi Icom thông báo có bão nhưng hệ thống Movimar vẫn im re”.
Ở Phú Yên, đến nay, có 120 tàu cá được hỗ trợ lắp đặt thiết bị Movimar. Cũng như nhiều nơi khác, hầu hết ngư dân đều tháo bỏ thiết bị này, chỉ còn 4 tàu giữ lại nhưng hoạt động cầm chừng. “Hệ thống Movimar chỉ kết nối được với trạm bờ duy nhất đặt tại Hà Nội nên không thuận lợi trong việc liên lạc. Thiết bị này giám sát trên bờ và nhắn tin từ tàu vào bờ nhưng không có chức năng đàm thoại, trong khi ngư dân không quen với thao tác nhắn tin” - ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, lý giải.
Theo ông Phương, một lý do quan trọng nữa là thiết bị Movimar không được cơ quan chức năng xác nhận chuyến biển để nhà nước hỗ trợ nên ngư dân muốn bỏ để chuyển sang thiết bị vệ tinh khác là VX 1.700, vừa có chức năng đàm thoại lại vừa được xác nhận chuyến biển để hỗ trợ.
Tuy vậy, không chỉ cơ quan chức năng mà các ngư dân cũng đánh giá rất cao các thiết bị ĐVVT. Ông Trương Văn Hay (chủ tàu cá ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) nhận xét: “Thiết bị ĐVVT hỗ trợ ngư dân một cách thiết thực, nhất là khi gặp nạn trên biển như bị tàu Trung Quốc quấy phá”.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng để thiết thực bảo vệ ngư dân, cần tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của dự án Movimar và khắc phục những bất cập đang tồn tại. Ngoài ra, Chính phủ cần quy định bắt buộc tàu ĐBXB phải lắp đặt, sử dụng thiết bị ĐVVT đã được đầu tư.
Theo ông Võ Văn Trác, việc lắp thiết bị ĐVVT là rất quan trọng đối với cả ngư dân lẫn cơ quan quản lý, đặc biệt trong bối cảnh ngư dân thường xuyên bị tàu Trung Quốc và tàu nước ngoài nói chung tấn công.
“Né” cơ quan chức năng?
Có một thực tế là lâu nay, dù các tàu cá đều lắp đặt thiết bị định vị, liên lạc nhưng khi ĐBXB, hầu hết ngư dân đều tắt, gây khó khăn cho việc theo dõi, quản lý, cứu hộ, cứu nạn của cơ quan chức năng.
Theo ông Nguyễn Tri Phương, ngư dân thường tắt thiết bị định vị, liên lạc là vì muốn giữ kín ngư trường đánh bắt. Chỉ khi nào tàu cá hay ngư dân gặp nạn, họ mới phát tín hiệu cầu cứu.
Trong khi đó, ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa - cho biết khi gặp nạn, ngư dân rất ngại liên lạc với cơ quan chức năng. “Khi nào bất đắc dĩ lắm, nếu không cứu nhanh sẽ ảnh hưởng đến tính mạng thì bà con mới nhờ đến lực lượng chức năng. Đơn giản là vì lực lượng chức năng chỉ cứu nạn - tức cứu người - miễn phí, còn cứu hộ tàu cá thì ngư dân phải trả chi phí xăng dầu hàng trăm triệu đồng” - ông Thuẫn nói. Ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, cũng thừa nhận việc cứu hộ tàu cá hiện nay là phải trả chi phí và điều này khiến nhiều ngư dân “né” lực lượng chức năng.
Theo ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, điều quan trọng là lực lượng chức năng trên biển cần bám sát ngư dân hơn. “Tàu cá của ta khi gặp nạn, tàu cứu hộ, cứu nạn phải được điều từ rất xa đến ứng cứu nên nhiều khi không kịp. Vì thế, cần đầu tư, mở rộng hơn nữa lực lượng cứu hộ, cứu nạn trên biển” - ông bày tỏ.
Trước việc ngư dân thường xuyên đối mặt “nhân tai” khi ra khơi, ông Võ Văn Trác cho rằng lực lượng chấp pháp trên biển cũng như các cơ quan chức năng cần có cơ chế và giải pháp hữu hiệu hơn để bảo vệ bà con. “Việc cơ quan chức năng nói biển ta dài rộng, thiếu phương tiện nên lực lượng không thể trải đều và có mặt kịp thời mọi nơi, mọi lúc là chưa thuyết phục” - ông băn khoăn
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-1
Ra khơi theo tổ, đội
Tại nhiều địa phương, gần đây, tàu cá của ngư dân đã ra khơi theo từng đội, tổ để kịp thời ứng cứu nhau khi gặp sự cố.
Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phú Yên đã chú trọng phát triển tổ, đội tàu thuyền an toàn, sản xuất trên biển, thực hiện phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ. “Đến nay, tỉnh Phú Yên đã có trên 105 tổ, đội tàu thuyền an toàn. Ngư dân hỗ trợ, cứu giúp nhau kịp thời nên việc tàu cá gặp nạn phải bỏ lại trên biển đã giảm đáng kể” - ông cho biết.
Theo ông Mai Cho - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi - nghiệp đoàn có 129 tàu ĐBXB và được chia thành 22 tổ, đội để tương trợ, giúp đỡ nhau khi gặp nạn. Tại các nơi khác ở Quảng Ngãi như huyện Bình Sơn, huyện đảo Lý Sơn..., ngư dân ra khơi cũng đi thành tổ, đội để giúp đỡ lẫn nhau.
Bình luận (0)