xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thiếu ôxy, cá chết trắng hồ Tây

Bài và ảnh: Nguyễn Hưởng

UBND TP Hà Nội đã lập Ban Chỉ huy xử lý sự cố và khẩn trương triển khai 7 biện pháp cấp bách

Chiều 2-10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đến hiện trường tại khu vực đường Nguyễn Đình Thi trực tiếp chỉ đạo công tác xử lý tình trạng cá chết hàng loạt trên hồ Tây. UBND TP đã lập Ban Chỉ huy xử lý sự cố và khẩn trương triển khai 7 biện pháp cấp bách.

Bất thường!

Trước đó, từ tối 1-10 đến rạng sáng 2-10, nhiều người dân ở ven hồ Tây như khu vực đường Trích Sài, Nguyễn Đình Thi phát hiện rất nhiều loại cá như: mè, rô phi, chép… chết nổi trắng một góc hồ. Lực lượng chức năng đã huy động khoảng 400 người vớt cá chết để tránh gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Phạm Văn Đông, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư khai thác hồ Tây, sáng sớm 30-9, sau cơn mưa lớn, nhân viên công ty đã phát hiện nhiều tôm, cá nổi lên mặt hồ rồi có hiện tượng chao đảo đâm đầu vào bờ. Sau đó, sáng 1-10, cá bắt đầu chết rải rác. Từ tối 1-10 đến sáng 2-10, cá chết hàng loạt, dày đặc ven đường Trích Sài, chủ yếu là loại cá nhỏ.

Cá chết nổi trắng hồ Tây (Hà Nội) từ ngày 1-10 đến nay
Cá chết nổi trắng hồ Tây (Hà Nội) từ ngày 1-10 đến nay

“Trước đây cũng nhiều lần xảy ra cá chết ở hồ Tây nhưng chưa bao giờ nhiều và bất thường như lần này” - ông Đông nói.

Đến chiều 2-10, các công nhân đã vớt được khoảng 4 tấn cá và đưa tới bãi chôn lấp để tiêu hủy theo đúng yêu cầu bảo đảm vệ sinh môi trường.

Do chất thải?

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, nguyên nhân ban đầu được xác định là do nồng độ ôxy hòa tan trong nước hồ Tây thấp, chỉ đạt 1,5 mg/lít. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn, nồng độ ôxy hòa tan trong nước phải đạt mức 6 mg/lít thì cá mới sống được. Mặt khác, thời tiết thay đổi, nắng nóng đột ngột, mưa thất thường cũng góp phần dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt.

Chi cục đã cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra, khảo sát tất cả cửa xả thải xung quanh khu vực hồ Tây. Tuy nhiên, chưa phát hiện đơn vị nào xả thải trộm, gây ô nhiễm môi trường nguồn nước. Khu vực này đã có đơn vị phụ trách thu gom, xử lý nguồn nước thải thường xuyên.

“Hiện tượng thiếu ôxy trong nước có thể do thời tiết chuyển mùa. Tuy nhiên, để tìm ra nguyên nhân cụ thể, chúng tôi vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ” - Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng nói.

Về kết luận ban đầu nguyên nhân cá chết do thiếu ôxy trong nguồn nước vào thời điểm giao mùa, TS Bùi Quang Tề, nguyên Trưởng Phòng Sinh học thực nghiệm Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, cho rằng không thể đổ lỗi cho tự nhiên bởi mùa thu, nước rất ôn hòa nên cá ít khi chết hàng loạt. Thêm nữa, hồ Tây là hồ tự nhiên có hàng ngàn năm, hiếm khi gặp trường hợp cá chết nhiều như thế.

“Hồ Tây nằm ở khu vực đông dân cư, có thể nước thải sinh hoạt, công nghiệp có hàm lượng hợp chất hữu cơ cao nhưng chưa được xử lý triệt để trước khi xả vào nguồn nước. Những chất thải hữu cơ là nguyên nhân gây thiếu ôxy trong nước rồi phân hủy ra các chất độc, điều này có thể khiến cá chết hàng loạt” - ông Tề phân tích.

Không nên ăn cá chết

Hiện Sở Y tế Hà Nội đã phun thuốc phòng chống dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường xung quanh hồ Tây. UBND TP Hà Nội yêu cầu Công an TP chỉ đạo Phòng Cảnh sát Môi trường và cơ quan giám định tiến hành lấy mẫu nước trên diện rộng từ trong bờ ra giữa hồ, từ tầng nước mặt đến tầng nước sâu nhằm xác định nguyên nhân. Bước đầu, kết quả kiểm tra nhanh cho thấy toàn bộ nước mặt của hồ Tây không có ôxy.

Sở Xây dựng bố trí 10 máy lọc nước tạo ôxy đưa vào hoạt động trên mặt hồ; bổ sung máy bảo đảm tạo ôxy để cứu số cá còn sống ở các tầng nước sâu. Đồng thời với việc vớt cá, xử lý bằng các biện pháp trên, TP sử dụng chế phẩm làm sạch hồ Redoxy-3C nhằm nhanh chóng làm sạch nước hồ, khử mùi và tạo ôxy tại các tầng nước sâu.

UBND TP Hà Nội cảnh báo người dân không vớt, sử dụng cá chết làm thực phẩm khi chưa có kết luận chính xác của cơ quan chức năng về việc có hay không các chất độc hại trong cá.

4.000 m3 nước thải mỗi ngày

Vào đầu năm 2016, trao đổi với báo chí, đại diện Ban Quản lý hồ Tây cho biết hiện mỗi ngày, hồ Tây phải tiếp nhận khoảng 4.000 m3 nước thải của các nhà hàng, quán ăn uống và người dân sinh sống ven hồ thải xuống. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy hàm lượng amoniac trong nước cao gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép. Do nước ô nhiễm sẵn nên chỉ cần thay đổi thời tiết, mưa nhiều rồi nắng lên thì cá lại chết hàng loạt.

Con kênh “chết” ở Đà Nẵng

Tình trạng cá chết hàng loạt cũng diễn ra ở kênh Đa Cô (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) từ ngày 1-10 đến nay. Nước kênh ở đây có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối. Con kênh này là nơi tiếp nhận nước xả thải của một số nhà máy và nhiều hộ dân trong khu vực. Trước đó, vào năm 2012, kênh Đa Cô đã từng xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Q.Quy

Lực lượng chức năng vớt xác cá trên kênh Đa Cô Ảnh: Tùng Quân
Lực lượng chức năng vớt xác cá trên kênh Đa Cô Ảnh: Tùng Quân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo