Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, nhận định có khả năng tin tặc đã xâm nhập hệ thống mạng của Vietnam Airlines (VNA) từ lâu và đến thời điểm cần thiết, chúng mới kích hoạt, chiếm quyền điều khiển.
Chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Minh Đức cũng đồng tình đưa ra nhận định trên. Website của VNA bị tấn công đã là một sự việc nghiêm trọng nhưng hệ thống thông báo tại sân bay bị chiếm quyền điều khiển thì quả là khủng khiếp. "Để phát đi được đoạn âm thanh đó, chúng ta phải hiểu rằng tin tặc đã nắm được từng chân tơ kẽ tóc bên trong hệ thống mạng, biết máy chủ nào thực hiện nhiệm vụ gì” - ông Đức phân tích.
Hiện tại, nhiều công ty an ninh mạng tại Việt Nam đang tập trung giúp VNA xử lý vụ việc, cơ quan công an cũng đã nhập cuộc điều tra. Từ sự cố đặc biệt nghiêm trọng này, các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo đây là bài học cho rất nhiều doanh nghiệp (DN), tổ chức khác tại Việt Nam vì thiếu coi trọng khâu bảo mật hệ thống mạng.
Ông Võ Đỗ Thắng cho biết vừa qua, một DN lớn trong nhóm hàng tiêu dùng có sản phẩm thuộc dạng bán chạy nhất Việt Nam, quảng cáo thường xuyên trên VTV, HTV, bị mất dữ liệu, rò rỉ kế hoạch kinh doanh ra ngoài. Trước khi bị phát hiện, đối tượng xâm nhập đã xóa toàn bộ dữ liệu. Vụ này thiệt hại hàng triệu USD và DN rơi vào khủng hoảng, kéo dài trong nhiều tháng.
Trong một nghiên cứu mới đây, Công ty An ninh mạng Bkav công bố 300.000 router (bộ định tuyến) của hệ thống mạng tại Việt Nam đang dính lỗi bảo mật nghiêm trọng giúp kẻ tấn công dễ dàng xâm nhập hệ thống. Lỗ hổng này có tên là PetHole. Theo Bkav, Việt Nam nằm trong số hơn 5,6 triệu hệ thống mạng trên thế giới tồn tại lỗ hổng PetHole và là một trong số 5 quốc gia có số router bị lỗ hổng nhiều nhất.
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav, khuyến cáo: “Router giống như cánh cửa kết nối người dùng đến internet. Việc hơn 300.000 hệ thống tại Việt Nam có lỗ hổng tiềm ẩn nguy cơ đối với an ninh quốc gia. Nếu một quốc gia có mưu đồ gián điệp quốc gia khác, họ hoàn toàn có thể thực hiện việc này thông qua cửa ngõ router”.
Trong một thống kê khác của Bkav, trong năm 2015, đã có 5.226 website của các cơ quan, DN tại Việt Nam bị tin tặc xâm nhập, trong đó có 340 website của cơ quan chính phủ và tổ chức giáo dục.
Bình luận (0)