Trong khi Chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng, yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng thì nhiều ngày qua, tại xã Krông Á, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, tình trạng phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép diễn ra hết sức nghiêm trọng.
"Công trường" khai thác gỗ
Từ phản ánh của người dân, ngày 18-7, nhóm phóng viên chúng tôi có mặt tại khu vực rừng xã Krông Á để tìm hiểu nạn phá rừng nơi đây.
Từ UBND xã Krông Á đi xe máy chừng 10 phút là đến bìa rừng. Từ đây, chúng tôi đi bộ lên khu rừng già. Hình ảnh bắt gặp đầu tiên là 2 chiếc xe công nông chất đầy gỗ, đỗ bên đường. Các lóng gỗ được cưa xẻ vuông vắn, dài từ 3-3,5 m, dày 30-40 cm, xớ còn tươi. Cạnh đó là 5 thanh niên cười nói rôm rả, kẻ vo gạo, người nhóm lửa nấu cơm. Đi tiếp vào trong, chúng tôi chứng kiến nhiều khối gỗ vuông vứt lỏng chỏng ở vệ đường, chờ vận chuyển ra khỏi rừng.
Tiếp tục lội bộ khoảng 10 km đường rừng, chúng tôi đặt chân tới "công trường" khai thác gỗ. Trước mắt là một bãi tập kết gỗ khá lớn với hàng chục khúc chất thành đống. Chung quanh bãi gỗ là nhiều cây rừng đốn hạ, nằm la liệt. Từ bãi tập kết này, đi tiếp khoảng 2 km có thêm gần 10 bãi gỗ như thế. Cả một khu vực rừng bị phá tan hoang với rất nhiều cây gỗ lớn vừa bị lâm tặc đốn hạ, vết cưa còn rỉ nhựa.
Đứng tại đây, chúng tôi nghe tiếng cưa máy vang lên khắp các quả đồi, tiếng lâm tặc gọi nhau í ới, tiếng máy xe công nông ra vào chở gỗ náo nhiệt cả khu rừng. Khi thấy chúng tôi, một số thanh niên vẫn tỉnh bơ, hì hụi dùng cưa tiếp tục làm nốt phần việc của mình.
Khu vực rừng già ở xã Krông Á bị tàn phá nghiêm trọng
Xe công nông công khai vận chuyển gỗ khỏi rừng
Chở gỗ dễ như chở rạ!
Mất nửa ngày chứng kiến cảnh rừng già bị tàn phá không thương tiếc, chúng tôi theo đuôi 4 chiếc công nông chở gỗ rời khỏi rừng. Mỗi xe chở hàng chục gỗ hộp trở ra, ngang nhiên chạy qua trụ sở UBND xã Krông Á.
Chừng vài phút, những chiếc xe này rời xã Krông Á thì có thêm 2 xe nữa chạy qua. Mặc dù xe chất đầy gỗ, không che đậy nhưng không có bất cứ bóng dáng cán bộ xã hay lực lượng chức năng nào ra ngăn chặn. Cứ thế, những chiếc xe của lâm tặc vận chuyển gỗ rời xã Krông Á dễ như chở rạ.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hòa Quang Khiêm, Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk, thừa nhận có xảy ra tình trạng phá rừng trên địa bàn. Ông Khiêm khẳng định sau khi nắm thông tin, ông đã chỉ đạo lực lượng chức năng xác minh, có biện pháp ngăn chặn, xử lý. "Lực lượng chức năng vừa bắt được 3 xe công nông và lập biên bản thu hồi 6,1 m3 gỗ. Lực lượng chức năng sẽ điều tra, xác định xem số gỗ này được khai thác ở đâu, do đơn vị nào quản lý để thiết lập hồ sơ xử lý. Sau khi làm rõ tình trạng phá rừng trên địa bàn xã Krông Á, chúng tôi sẽ thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm lâm luật trên toàn huyện" - ông Khiêm nhấn mạnh.
Giải thích vì sao lâm tặc dễ dàng vận chuyển gỗ, ông Khiêm cho rằng trước đây, UBND huyện M’Đrắk đã thành lập một đoàn liên ngành chốt chặn tuyến đường liên xã qua trụ sở xã Krông Á. Do đoàn vừa dừng chốt chặn khoảng 1 tháng nay nên lâm tặc đã lợi dụng để khai thác vận chuyển gỗ. "Nếu tình trạng vận chuyển gỗ ngang nhiên qua trục đường liên xã và qua trụ sở UBND xã xảy ra liên tục thì rõ ràng anh em thiếu trách nhiệm. Còn việc có tiếp tay hay không, cần phải điều tra thêm mới khẳng định được" - ông Khiêm nói.
Có phần trách nhiệm huyện, xã
Theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ, nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng mất rừng thì chủ tịch UBND xã, huyện, tỉnh nơi đó phải chịu trách nhiệm. Ông Hòa Quang Khiêm cho rằng để xảy ra vụ phá rừng này có một phần trách nhiệm của lãnh đạo huyện, xã, còn trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng. "Theo xác định ban đầu, gỗ được khai thác từ lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk. Đây là doanh nghiệp nhà nước, được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng nhưng đã để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép" - ông Khiêm khẳng định.
Bình luận (0)