Chiều 29-9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã đăng đàn trả lời chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và 63 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh thành.
Tại phiên chất vấn, nhiều ĐBQH đã gửi đến người đứng đầu NHNN về hàng loạt sai phạm của nhiều ngân hàng thương mại xảy ra trong thời gian qua. ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý, Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Về các vấn đề xã hội, chất vấn: “Thống đốc có quan điểm thế nào với những sai phạm gần đây của NH mà gần đây là Ngân hàng Xây dựng? Những giải pháp của Thống đốc nhằm hạn chế hiện tượng rất đáng lo ngại này”.
Giải đáp lo ngại của đại biểu, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình bộc bạch: “Không chỉ Ngân hàng Xây dựng mà tất cả sai phạm của ngân hàng xảy ra ở đâu, khi nào, kể cả trước khi tôi nhậm chức thì cũng vẫn là trách nhiệm của Thống đốc và tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc này”.
Để giải quyết “khối u” của ngành ngân hàng, ông Bình cho biết NHNN đã triển khai rất quyết liệt hoạt động thanh tra giám sát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật, kể cả với ngành công an. “Song phương châm của NHNN là không hình sự hóa các quan hệ dân sự mà chỉ mong muốn phát hiện, tạo điều kiện cho các bên sai phạm khắc phục” - ông Bình khẳng định. Ông nói biện pháp “mạnh” theo quy định của pháp luật để xử lý sai phạm chỉ được thực thi khi sai phạm đã không khắc phục được, gây nên sự thất thoát tiền bạc của đất nước
Thời gian qua, NHNN đã phối hợp chặt với ngành công an điều tra và đưa ra xét xử nhiều vụ lớn như Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyến Đức Kiên (bầu Kiên), ALC II và Lifepro của chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Hà Nội. “Tất cả sai phạm ở đây đều xảy ra trước 2011 (khi ông Bình chưa nhận nhiệm vụ - PV) và chúng tôi đã kiểm điểm hết sức sâu sắc trong báo cáo kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4. Bản kiểm điểm đó tôi có mang theo đây, để khẳng định rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan trong những vấn đề đó” - ông Bình nói.
Về tình hình xử lý nợ xấu và hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt nam, Thống đốc Bình cho hay đến cuối tháng 7-2014, tổng nợ xấu nội bảng là 162,2 ngàn tỉ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ (cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu là 3,61%). Nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014 do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, TCTD áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu, từ đó thúc đẩy xử lý nợ xấu.
Bình luận (0)