Hầm đèo Cổ Mã dài 500m với 2 đường hầm đã được thông tuyến
Sau khi đường hầm thứ nhất được thông tuyến vào ngày 17-10, đến chiều 2-11, đường hầm thứ hai đã kết thúc mũi khoan cuối cùng, chính thức đánh dấu việc thông hầm kỹ thuật đối với đường hầm xuyên đèo Cổ Mã.
Hầm đường bộ đèo Cổ Mã dài 500m, được khởi công từ tháng 4-2014, kinh phí 510 tỉ đồng, mỗi đường hầm có đường kính 11m, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9-2015.
Công nhân của Công ty Cổ phần Sông Đà 10 đang hoàn thiện đường hầm đèo Cổ Mã sau khi thông tuyến
Trong khi đó, hai đường hầm đèo Cả dài 3.900 m đang được hơn 200 công nhân, kỹ sư của liên doanh các công ty Nippon Koei- Nippon Koei Việt Nam- Apave đang khẩn trương thi công. Hiện tại mỗi đầu hầm đã được khoan sâu hơn 40m.
Theo ông Vũ Tiến Thắng, đồng giám đốc liên doanh các công ty thi công, mặc dù hầm đèo Cả đang được khoan theo công nghệ NATM, là công nghệ tiên tiến nhất về khoan hầm hiện nay, nhằm tận dụng khả năng tự chống đỡ của các khối đá trong hầm, nhưng do địa chất của hầm đèo Cả phức tạp nên tiến độ không thể đẩy nhanh. Mặc dù làm 3 ca, nhưng mỗi ngày một bên đầu hầm chỉ khoan sâu từ 1 đến 1,5m.
Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả có tổng chiều dài 13,4 km, nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa với tổng vốn đầu tư 15.603 tỉ đồng theo hình thức BT và BOT. Tuy nhiên, theo Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả (chủ đầu tư dự án), qua tính toán, công ty sẽ tiết kiệm khoảng 3.600 tỉ đồng và sẽ đầu tư làm hầm đèo Cù Mông (nối 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định).
Các đơn vị thi công đang gấp rút khoan cả 2 đường hầm đèo Cả
Khác với hầm đèo Hải Vân, hầm đèo Cả và Cổ Mã được thiết kế song song hai tuyến, bên trong bố trí nhiều hầm ngang để thoát hiểm, bảo đảm an toàn giao thông, tạo độ an toàn cao khi xảy ra sự cố. Theo kế hoạch toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016.
Bình luận (0)