Ngày 16-2, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ tại Sunnylands (bang California, Mỹ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự phiên thảo luận về chủ đề “Bảo vệ hòa bình, thịnh vượng và an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương”.
Các nhà Lãnh đạo nhất trí đánh giá tình hình khu vực hiện nay đang có những diễn biến phức tạp, tác động đến từng quốc gia. Tình hình căng thẳng gần đây tại Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên, vụ khủng bố tại Jakarta (Indonesia), vấn đề an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu… là những vấn đề được nhiều nước quan tâm, chia sẻ tại Hội nghị.
Trong bối cảnh đó, các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Mỹ, nhất là trong thúc đẩy thịnh vượng chung của khu vực và giải quyết các thách thức xuyên quốc gia. Các nhà Lãnh đạo ASEAN và Mỹ đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung, trong đó khẳng định các nguyên tắc có tính định hướng cho quan hệ ASEAN-Mỹ giai đoạn tới. Tuyên bố nhấn mạnh ASEAN và Mỹ sẽ tiếp tục đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và Hiến chương ASEAN, ủng hộ xây dựng trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ, cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, không quân sự hóa, kiềm chế, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, hàng không phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Phát biểu tại các phiên thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp vừa qua tại Biển Đông, đặc biệt là những hành động làm thay đổi nguyên trạng, tăng cường quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực. “Những diễn biến phức tạp gần đây trên một số vùng biển ở châu Á-TBD, trong đó có Biển Đông, đang gây lo ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, bị đánh giá thuộc mức rủi ro cao nhất liên quan đến xung đột và có thể ảnh hưởng tiêu cực cho hòa bình và phát triển ở khu vực và toàn cầu” - Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cho rằng tình hình phức tạp ở Biển Đông nảy sinh từ những đòi hỏi chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc, trái với Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC 2002). “Gần đây nhất là những hành động đơn phương bồi đắp và xây dựng trên quy mô lớn các đảo nhân tạo từ những cấu trúc nửa nổi nửa chìm, làm thay đổi nguyên trạng, kể cả việc tăng cường quân sự hóa dưới các hình thức khác nhau. Đầu tháng 1-2016, diễn ra việc đưa máy bay ra các đảo nhân tạo mà không hề thông báo cho Cơ quan quản lý bay khu vực FIR-Hồ Chí Minh, vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn bay của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), đe dọa an ninh và an toàn hàng không trong khu vực” - Thủ tướng nêu bật.
Thủ tướng bày tỏ đánh giá cao cộng đồng quốc tế có tiếng nói kịp thời ủng hộ và chia sẻ lập trường vì hòa bình của ASEAN; hoan nghênh các đề xuất, sáng kiến của tất cả các quốc gia, trong đó có Mỹ nhằm đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đồng thời đề nghị các quốc gia ASEAN và Mỹ tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn để tiếp tục thúc đẩy các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. “Không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn, chấm dứt ngay việc quân sự hóa ở Biển Đông; tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC, sớm thỏa thuận thực chất Bộ Quy tắc về ứng xử COC” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị Mỹ ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với ASEAN phát huy các cơ chế hợp tác chính trị - an ninh khu vực của ASEAN (AMM, EAS, ARF, ADMM+…), đẩy mạnh tuân thủ luật pháp quốc tế, các chuẩn mực ứng xử chung, xây dựng lòng tin chiến lược bền vững và thực hiện các biện pháp ngoại giao phòng ngừa trên biển, diễn tập tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, phòng chống cướp biển, lập đường dây nóng, hỗ trợ năng lực thực thi pháp luật trên biển.
Bình luận (0)