xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thủ tướng chỉ lệnh không chuyển đổi rừng Tây Nguyên!

HỒNG ÁNH ghi

Trả lời báo chí vào ngày 28-3, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho rằng Thủ tướng chỉ lệnh không chuyển đổi đất rừng tự nhiên Tây Nguyên, trong khi Phú Yên không thuộc Tây Nguyên

Phóng viên: Thưa ông, vì sao chưa có phương án trồng rừng thay thế mà vẫn triển khai dự án, chặt hạ rừng thuộc Ban Quản lý rừng Sông Hinh giao đất cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên (Công ty Thảo Nguyên) nuôi bò?


Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên trả lời báo chí sáng 28-3 (Ảnh: Hồng Ánh)

Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên trả lời báo chí sáng 28-3 (Ảnh: Hồng Ánh)

- Ông Trần Hữu Thế: Trước khi giao đất cho nhà đầu tư, tỉnh phải cho khai thác, tận thu gỗ, củi. Việc trồng rừng cũng chưa tới mùa. Tỉnh cũng yêu cầu hoàn thành phương án trồng rừng thay thế trong tháng 2-2017 nhưng diện tích còn lại manh mún và nhỏ. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng các đơn vị đang lựa chọn địa điểm để trồng rừng thay thế, chắc là trong tháng 4-2017 mới hoàn thành. Để đáp ứng yêu cầu trồng rừng thay thế và tiến độ giao đất cho nhà đầu tư, chúng tôi mới thực hiện việc này.

Việc chuyển đổi 273 ha rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp đã được báo cáo Chính phủ?

- Trong việc này chúng tôi có 2 nghị quyết HĐND tỉnh trong năm 2016 về việc chuyển đổi đất rừng sang trồng rừng xen lẫn với trồng cỏ nuôi bò. Nghị quyết HĐND tỉnh đã được thông qua và đã được Chính phủ chấp thuận. Về nguyên tắc, nghị quyết của HĐND nếu không bị điều chỉnh bởi 1 văn bản nào đó của Chính phủ và được chấp thuận chung thì đó là cơ sở để thực hiện.

Theo ông, việc chuyển đổi này liệu có đi ngược lại với chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên mà Thủ tướng Chính phủ đã có lệnh?

- Có lẽ chúng ta nhầm ý kiến của Thủ tướng. Thủ tướng chỉ có lệnh không chuyển đổi đất rừng tự nhiên ở Tây Nguyên. Phú Yên không thuộc Tây Nguyên.

Rừng bị triệt hạ để giao đất cho doanh nghiệp nuôi bòẢnh: ĐỨC NHUẬN
Rừng bị triệt hạ để giao đất cho doanh nghiệp nuôi bòẢnh: ĐỨC NHUẬN

Lâu nay huyện Sông Hinh được xác định nằm trong vùng Tây Nguyên.

- Nếu mọi người xem kỹ lại hiện trạng rừng của 2 tiểu khu 310 và 311 trước khi cho phép khai thác thì sẽ có cách nhìn khác. Hãy hình dung chuyển đổi 1 mảnh đất rừng trên 80% là đồng cỏ tranh, đế và cây bụi để lấy đồng cỏ xen lẫn với rừng thì sẽ thấy việc tôi nói là xứng đáng. Hơn nữa, 2 tiểu khu này vốn đã được khai thác trắng từ khi làm thủy điện Sông Hinh và hiện nay là rừng tái sinh, không phải là rừng phòng hộ đầu nguồn.

Ông bảo rằng đây không phải là rừng phòng hộ đầu nguồn nhưng tại cửa rừng có biển báo rõ đây là rừng phòng hộ được bảo vệ nghiêm ngặt. Và thực tế nó nằm ngay đầu nguồn, bên hồ thủy điện Sông Hinh?

- Không thể dựa vào 1 tấm bảng đóng lên ghi rừng phòng hộ thì chúng ta nói đó là rừng phòng hộ. Vấn đề này phải được cơ quan chức năng phê duyệt.

Năm 2015, UBND tỉnh cũng đã từng phê duyệt trồng rừng thay thế cho thủy điện Sông Ba Hạ ở 2 tiểu khu này. Sau đó, người dân và báo chí phản ánh thì UBND tỉnh có văn bản dừng. Vì sao bây giờ lại giao khu vực này cho dự án nuôi bò?

- Tôi chỉ mới tiếp nhận công việc. Liên quan đến nội dung này là từ năm 2015, tôi không nắm hết nên sẽ trả lời sau.

Được biết Phú Yên có khu nông nghiệp công nghệ cao, diện tích còn lớn, vì sao nhất quyết phải chọn 2 tiểu khu này để thực hiện dự án?

- Không phải nơi nào cũng có thể nuôi bò chất lượng cao. Nó tùy thuộc vào điều kiện lập địa, thổ nhưỡng và khí hậu vùng đó. Để thực hiện dự án lớn thì trước hết phải có vùng lõi, từ đó nhân rộng. Chúng ta đang thực hiện việc dồn điền đổi thửa. Làm thế nào để người dân thấy dự án hiệu quả rồi sau đó mới mời người dân tham gia.

Phải chăng chấp nhận đánh đổi việc mất 377 ha rừng, trong đó có 273 ha rừng tự nhiên để lấy 1 dự án kinh tế?

- Nếu nhìn tổng quan, hơn 70% diện tích tự nhiên ở Phú Yên là đất rừng, đồi. Nếu không chọn vị trí này sẽ không có vị trí khác. Tôi nghĩ đổi một rừng thưa, tranh đế và cây bụi lấy băng rừng và đồng cỏ được chăm sóc tốt là việc phù hợp.

Cục Kiểm lâm yêu cầu báo cáo

Cục Kiểm lâm - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) vừa có văn bản gửi Chi cục Kiểm lâm vùng IV kiểm tra, xác minh dự án liên quan chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp tại tỉnh Phú Yên.

Theo Cục Kiểm lâm, đơn vị này nhận được thông tin phản ánh về việc chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ sang mục đích khác thuộc dự án “Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao” tại xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) do Công ty Thảo Nguyên làm chủ đầu tư (Báo Người Lao Động ngày 28-3). Để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ NN-PTNT về chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên và kiên quyết không chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên sang mục đích khác, Cục Kiểm lâm đề nghị Chi cục Kiểm lâm vùng IV tổ chức kiểm tra, xác minh và làm rõ thông tin phản ánh, báo cáo kết quả kiểm tra về Cục Kiểm lâm trước ngày 31-3.

V.Duẩn

Dưới rừng là vàng

Ông Lê Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh (Phú Yên) - nơi rừng bị triệt hạ giao đất cho Công ty Thảo Nguyên, khẳng định hầu như các con suối ở khu vực này đều có vàng, tùy nơi ít hay nhiều.

Cách không xa khu rừng được Công ty TNHH Cao Nguyên Lâm (Phú Yên) thuê để triệt hạ cây rừng theo chỉ đạo của tỉnh Phú Yên là suối Giang và suối Pháp. Nơi đây từng rất “nóng” với tình trạng khai thác vàng trái phép từ 4 năm trước. Phóng viên từng có mặt trong đoàn công tác của tỉnh Phú Yên và huyện Sông Hinh truy quét “vàng tặc” nơi đây. Một “vàng tặc” đã thú nhận tỉ lệ vàng nơi đây rất đậm.

Nhiều người dân nơi đây cho biết suối Dứa ở sát dự án này cũng có vàng. Tại Tiểu khu 311 có mỏ vàng núi Đá với trữ lượng lớn. “Năm 2008 tôi có mặt ở mỏ vàng này. Ngoài chúng tôi còn có 1 nhóm 52 người đào vàng ở Thái Nguyên. Họ vào và đào trong 3 ngày mà mỗi người được chia đến 70-80 triệu đồng. Đó là chỉ làm thủ công, không khai thác được hết vì vàng ở sâu” - một người dân kể.

H.Ánh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo