10 giờ 15 phút giờ Kuala Lumpur (Malaysia), tức 9 giờ 15 phút sáng 22-11 giờ Hà Nội, các lãnh đạo cấp cao ASEAN đã bắt đầu Lễ ký kết 2 văn kiện lịch sử: Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về việc hình thành Cộng đồng ASEAN, Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 Cùng vững vàng tiến bước.
Lễ ký kết diễn ra với sự chứng kiến của lãnh đạo các nước đối thoại và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. Lãnh đạo các nước đối thoại, theo dự kiến gồm có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nga Dmitry A. Medvedev, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, Thủ tướng New Zealand John Key.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự lễ ký.
Lãnh đạo ký Tuyên bố chính thức hình thành cộng đồng ASEAN, thể hiện sự đồng lòng nhất trí, quyết tâm cao gia tăng liên kết, hợp tác giữa các nước ASEAN để tiến tới cộng đồng ASEAN sẽ chính thức được "khai sinh" vào ngày 31-12-2015.
Mục tiêu của Cộng đồng ASEAN là xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài.
Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ xây dựng một khu vực tạo điều kiện dòng chảy tự do về hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư, lao động có tay nghề.
Chính thức ký kết Tuyên bố hình thành cộng đồng ASEAN - Ảnh chụp qua màn hình
Tuyên bố về việc hình thành Cộng đồng ASEAN được chuyển lần lượt để lãnh đạo các quốc gia ASEAN ký.
Trao đổi với phóng viên trước thềm sự kiện quan trọng này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định sự hình thành cộng đồng ASEAN sẽ tạo ra cơ hội lớn cả về chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa... cho các nước trong khu vực. ASEAN trở thành một thị trường rộng lớn với 625 triệu dân, hàng hóa và lao động kỹ thuật cao tự do di chuyển giữa 10 nước Đông Nam Á, tạo ra cơ hội lớn cho sự phát triển.
Tuy nhiên, hình thành cộng đồng mới chỉ là điểm khởi đầu, để hội nhập và chung sống trong cộng đồng rộng lớn này, mỗi quốc gia và người dân cần phải nỗ lực hơn nữa để tận dụng cơ hội phát triển.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết kể từ khi ASEAN thông qua Lộ trình tổng thể xây dựng Cộng đồng cũng như 3 Lộ trình xây dựng Cộng đồng trên 3 trụ cột gồm Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội, đến thời điểm cuối tháng 10-2015, ASEAN đã thực hiện được 97% các biện pháp đề ra.
Xem toàn văn Tuyên bố hình thành Cộng đồng ASEAN tại đây
Xem toàn văn Tuyên bố về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 tại đây
ASEAN ngày nay là một khu vực hòa bình, nền kinh tế gắn kết và thống nhất với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2.600 tỉ USD (tăng 80% trong 7 năm qua) và thị trường 625 triệu dân, không chỉ hội nhập sâu rộng vào cấu trúc an ninh và kinh tế toàn cầu, mà còn là một khu vực năng động với nhiều cơ hội và triển vọng phát triển to lớn.
Việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và các nước thành viên, như tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường, giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ nhờ việc xóa bỏ thuế quan, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo thuận lợi đi lại.
Bình luận (0)