Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đã đến lúc chuyển tư duy từ an ninh lương thực sang an ninh dinh dưỡng - Ảnh: Quang Hiếu
Sáng nay 8-4, tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi chứng kiến sự có mặt của các doanh nghiệp (DN) tầm cỡ trong nước và quốc tế bởi “một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”, mà phải có nhiều cánh én, nhiều con sếu đầu đàn.
Thủ tướng cho rằng, năm 2016 là năm tai ương dồn dập giáng xuống người nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Nhưng điều ngoạn mục là trong khó khăn như thế, ngành nông nghiệp xuất khẩu hơn 32 tỉ USD, xuất siêu 7,5 tỉ USD. Điều này chứng tỏ tiềm năng nông nghiệp rất lớn. Nhưng bên cạnh đó, Thủ tướng nhìn nhận tiềm năng đó vẫn chưa được khơi dậy hết và vì vậy, hội nghị hôm nay là nhằm khởi dậy tiềm năng này.
“Có một điều làm tôi hết sức phấn khởi và cảm động. Đó là bất chấp diễn biến bất cập, tất cả các hội nghị nông nghiệp mà tôi và một số đồng chí lãnh đạo khác cùng chủ trì có không khí vô cùng sôi nổi, lạc quan, khí thế hừng hực" - Thủ tướng chia sẻ và dẫn ra các loạt các hội nghị như Hội nghị gặp mặt các nhà làm nông nghiệp công nghệ cao của CLB Nông nghiệp công nghệ cao, Hội nghị lúa gạo ở An Giang, Hội nghị chuyên đề về con tôm ở Cà Mau, bàn về nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nam hay như hội nghị xúc tiến đầu tư lần đầu tiên chuyên đề về nông nghiệp hôm nay ở Thái Bình...
Thủ tướng nhấn mạnh, trong giai đoạn trước, Chỉ thị 100 hay Khoán 10 với tinh thần là cởi trói thì cải cách hiện nay phải trên tinh thần kiến tạo, giải phóng và phát huy toàn diện vai trò của DN, khu vực tư nhân trong mọi công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Và để thành công trong nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng, cần sự hiện diện, liên kết của 5 nhà: nhà nước, nhà đầu tư, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng.
"Vai trò của 5 nhà đều quan trọng như nhau nhưng nhà DN đi đầu trong việc đưa nông nghiệp sản xuất hàng hóa hội nhập kinh tế thị trường thế giới và Việt Nam"- Thủ tướng khẳng định.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng Thái Bình có sẵn các điều kiện để hiện thực hóa tầm nhìn này như có trình độ thâm canh cao, hạ tầng nông nghiệp cơ bản, có 200 xã nông thôn mới, có 91 dự án với tổng vốn 3.000 tỉ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, gần các trung tâm tiêu thụ lớn…
Từ đó, tỉnh Thái Bình tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch với tầm nhìn chiến lược, dài hạn. Xác định rõ tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển cả trước mắt và lâu dài, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp trên cơ sở lợi thế so sánh, gắn chặt với từng vùng sinh thái, tránh cát cứ địa phương, mất đi tính liên vùng.
"Chuyển tư duy an ninh lương thực sang an ninh dinh dưỡng, nghĩa là cả lương thực, thực phẩm, vitamin, nếu làm gạo thì gạo đó là gạo dược liệu, gạo vitamin chứ không phải gạo có nhiều gluco. Phải tạo cơ hội cho nông dân có sự lựa chọn sát hơn với thị trường, không thể sản xuất cái anh có mà sản xuất cái mà xã hội, kể cả trong nước và nước ngoài đang cần”- Thủ tướng gợi mở.
Đáng chú ý, Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước cách làm mới của Thái Bình, vừa thực hiện Luật Đất đai, đồng thời mở ra cơ chế mới về mở rộng hạn điền. Đó là chính quyền đứng ra ký hợp đồng với người dân rồi cho DN thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp với thời hạn từ 20 năm trở lên.
Theo Thủ tướng, với cơ chế này, đến nay tỉnh Thái Bình đã vận động tích tụ trên 5.000 ha đất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho DN nông nghiệp tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, kinh tế trang trại, phát huy lợi thế kinh tế theo quy mô, tạo đột phá cho sự ra đời của thị trường thứ cấp về đất nông nghiệp gắn với việc bảo đảm lợi ích ổn định của người nông dân.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý Thái Bình cần có phương thức hợp lý để nông dân không bị mất đất mà vẫn tạo ra sản xuất hàng hóa như cách làm trên.
Bên cạnh đó, Thái Bình cần mở rộng không gian phát triển hướng ra Biển Đông chứ không phải chỉ đứng trước biển. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trong đó đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản là một trong những trụ cột quan trọng. Cần có chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ để thu hút các DN, đối tác chiến lược mạnh về tài chính, có thị trường ổn định, có công nghệ hiện đại để gia tăng giá trị sản phẩm của tỉnh, trong đó thủy hải sản mang thương hiệu Thái Bình trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong nước và vươn ra quốc tế.
“Chúng ta đã có những con sếu lớn, nhà đầu tư lớn ở Thái Bình hôm nay và rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu đặt vấn đề. Nhưng tôi đề nghị sau hội nghị này, tỉnh Thái Bình cần tiếp tục tập trung thu hút được những DN có uy tín, có tiềm lực, có tâm huyết. Không chỉ có một số con sếu mà một đàn sếu rất đông để tiếp tục dẫn dắt sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn Thái Bình”- Thủ tướng mong mỏi.
Đồng thời cần chú trọng khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện cho hoạt động khởi nghiệp của thanh niên nông thôn, địa phương phải đổi mới chính mình, phải “3 cùng” với DN, hợp tác xã và người nông dân; phấn đấu đến năm 2020, nằm trong 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu về xếp hạng PCI.
Với nhà đầu tư, DN, Thủ tướng đề nghị cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, đúng cam kết, đúng tiến độ, thực tâm hình thành mối quan hệ bình đẳng, cùng thắng với nông dân và các bên trong chuỗi giá trị sản xuất. Tập trung đầu tư các dự án sản xuất theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt chú trọng chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thống nhất quan điểm 3 bên (nhà đầu tư, nhà nước và người dân) cùng thắng trong hoạt động kinh doanh.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh sẽ tập trung làm thể chế, pháp luật, cải cách hành chính tốt hơn trong phạm vi quốc gia. “Những vướng mắc về thể chế, chính sách mà quý vị phản ánh, Thủ tướng lắng nghe để cùng Chính phủ xử lý các vấn đề đặt ra”- Thủ tướng khẳng định.
Các bộ, ngành chức năng cần nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung ngay, hoàn thiện những cơ chế, chính sách pháp luật để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nhất là trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tại hội nghị đã diễn ra lễ trao các quyết định cho 33 dự án với tổng số vốn đăng ký lên đến 25.658 tỉ đồng; trong đó trao quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án với số vốn đăng ký trên 2.016 tỉ đồng; trao quyết định chấp thuận nghiên cứu dự án đầu tư cho 19 dự án với số vốn đăng ký 20.925 tỉ đồng, chủ yếu để sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng cao, nuôi trồng thủy hải sản…
Hội nghị cũng sẽ tiến hành trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án BT, BOT về xây dựng công trình đường giao thông với số vốn đăng ký 2.717 tỉ đồng.
Bình luận (0)