Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phong trào thi đua - khen thưởng với gắn chặt với tình hình đất nước - Ảnh: Thế Dũng
Sáng nay 23-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị tổng kết Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương (Hội đồng TĐ-KT) năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng TĐ-KT, báo cáo trong năm 2016, Thường trực Hội đồng duy trì họp định kỳ 3 tháng/lần, cho ý kiến về việc tặng “Cờ thi đua của Chính phủ” đối với các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của các cụm, khối và cá nhân được đề nghị phong tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”.
Năm 2016, trên cơ sở nhận xét, đánh giá của Thường trực Hội đồng, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương đã trình Thủ tướng tặng 22 cờ thi đua của Chính phủ và 33 bằng khen của Thủ tướng cho 55 bộ, ban, ngành, địa phương; đề nghị phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho 102 cá nhân, để lại 42 trường hợp do chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Trần Thị Hà cũng khái quát những tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua khen thưởng năm 2016.
Các phong trào thi đua tuy đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm phát động nhưng còn một số phong trào hiệu quả chưa cao, chưa đi vào chiều sâu, hình thức và nội dung thi đua chưa phong phú, đa dạng, chưa phát huy hết tác dụng của các phong trào. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến tuy có nhiều chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Chất lượng công tác khen thưởng tuy đã được nâng lên nhưng cá biệt vẫn có những tập thể, cá nhân được khen thưởng mà thành tích chưa thật tiêu biểu. Trong công tác khen thưởng chưa tạo được sự chuyển biến trong việc phát hiện các điển hình để khen thưởng kịp thời, khen thưởng cho công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất.
Hoạt động của các cụm, khối thi đua tuy đã có những đổi mới trong việc xây dựng các tiêu chí thu đua nhưng nội dung sinh hoạt chưa đa dạng, phong phú; công tác thông tin, phối hợp còn hạn chế, chưa phát huy tính năng động sáng tạo và hoạt động còn hình thức, chưa hiệu quả.
Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng TĐ-KT cũng xác định thời gian tới, cần hết sức thận trọng trong việc xem xét khen thưởng cho các doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp vì công tác thẩm định, kiểm tra không đơn giản.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) Bùi Văn Cường cho biết chương trình “Dấu ấm 30 năm đổi mới” do TLĐLĐ tổ chức dự kiến vào 19-5 tới đây. TLĐLĐ mong muốn Hội đồng TĐ-KT sẽ vinh danh những tập thể, cá nhân đặc biệt xuất sắc. “Trong 30 năm đổi mới đến nay có nhiều tập thể, cá nhân đặc biệt xuất sắc không thể không biểu dương để tuyên truyền lan toả như tỉnh Bình Dương, TP Đà Nẵng, Tập đoàn Viettel…” – ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông Thào Xuân Sùng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, nhiều tiêu cực rất nhỏ nhưng lại lan toả nhanh trên mạng xã hội vì thế trách nhiệm của Hội đồng TĐ-KT thông qua Hội đồng TĐ-KT địa phương, cấp uỷ, tổ chức đảng chính quyền thông qua hoạt động TĐ-KT để kiểm tra, uốn nắn.
Thực tế cho thấy nhiều phong trào TĐ-KT làm rất tốt như Bộ Giao thông Vận tải hay ở các tỉnh Tây Nguyên có phong trào “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự” được làm rất tốt mà lại không mất kinh phí. "TĐ-KT phải thực chất, gắn với đời sống, tạo sự đoàn kết trong nhân dân, xã hội. Phải tạo ra phong trào người giàu giúp người nghèo, người khoẻ giúp người yếu"- ông Sùng nói.
Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Lương Cường đặt vấn đề trong phong trào TĐ-KT có bệnh thành tích, có thực chất không?
"Tôi cho là có bệnh thành tích, có chỗ không thực chất. Báo cáo về việc TĐ-KT cũng không thể bỏ qua những hiện tượng chưa tốt như thế này. TĐ-KT phải thực chất, chống bệnh thành tích thì phải rộng đường lắng nghe. Chứ có tấm gương nào vừa định đưa lên thì mạng xã hội nêu đủ thứ chưa hay. Đúng là không thể cầu toàn nhưng nếu thông tin bên ngoài đưa ra nhiều vấn đề thì cũng cần xem xét, kiểm tra để chọn người cho trúng, cho đúng"- ông Cường nhấn mạnh.
Ông Cường cho rằng những việc tốt, cách làm tốt, con người tốt để tuyên truyền cần gần gũi, thiết thực, phải có hình thức tuyên truyền đi được vào đời sống, để nhân dân, cả xã hội ủng hộ và nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt.
Ông Cường dẫn vấn đề văn hoá giao thông ở Việt Nam rất nhức nhối, mạnh ai lấn đường thì phong trào TĐ-KT phải chú ý để lồng ghép để tạo sự thay đổi.
Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành cho biết trong ngành có nhiều phong trào rất đáng biểu dương như Tổng cục 8, Bộ Công an đã có phong trào "Viết thứ xin lỗi phạm nhân" gửi đến những phạm nhân cụ thể mà các đồng chí có ứng xử chưa phải.
Ông Thành cũng nhìn nhận có bệnh thành tích trong TĐ-KT. "Thậm chí ông viết báo cáo thì nhận hết thành tích về mình hay khen lãnh đạo nhiều quá"- ông Thành thẳng thắn.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao những góp ý hết sức cụ thể của các đại biểu. Phải chú tâm những việc rất nhỏ nhưng lại rất lớn trong thời gian qua mà người dân phản ứng là các loại bằng khen, huân chương khen thưởng cần chống lãng phí, gian lận.
Bên cạnh đó, tuyên truyền chưa đúng mức, kịp thời, sinh động và thường xuyên về tấm gương tốt, việc tốt làm cho những hình ảnh xấu lấn át. Vì thế, cần có tính thời sự, phát hiện kịp thời nhân tố mới, khen thưởng kịp thời chứ “xuân thu nhị kỳ” sẽ khó thành công, hình thức danh hiệu phải phù hợp.
"Nếu không đổi mới tốt, không lo làm ăn, không có người tốt, việc tốt thì đất nước sẽ không thành công, không có nhân dân ủng hộ thì đất nước sẽ không thành công. Khen thưởng phải nhắm vào những nhân tố như vậy thì mới trúng, mới công bằng và tính lan toả rộng"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng nhiều ý kiến đánh giá phát động phong trào thi đua là “phát nhưng chưa lay động”, còn hình thức, khen lãnh đạo nhiều quá.
“Lãnh đạo được khen thưởng nhiều quá cũng không nên và có thể xuất phát từ việc có huân huy chương thì thăng tiến, bổ nhiệm dễ hơn. Thi đua khen thưởng phải dành cái gì đó thật ý nghĩa đối với người dân vùng sâu xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Người tốt thường có lòng tự trọng nên không đi xin bằng khen. Chúng ta phải tìm đến họ để khen thưởng kịp thời, các cơ quan chuyên môn phải làm việc này”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu Giải thưởng Nhà nước vừa qua có nhiều xôn xao.
"Thiếu nhà thơ Xuân Quỳnh, Thu Bồn… được vinh danh lần này là do thủ tục, hay do chủ quan là câu hỏi lớn về cách làm của cán bộ thi đua khen thưởng”- Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng dẫn ra nhiều phong trào rất đáng tuyên dương như gần nhất Thủ tướng gửi thư khen kịp thời biểu dương hàng trăm giáo viên Trường THCS Trần Quốc Toản, TP Hạ Long, Quảng Ninh tự nguyện hiến máu để cứu học sinh Nguyễn Công Minh gặp tai nạn bị mất 2,5 lít máu. Hay Thủ tướng vừa phát hành thư khen các bác sĩ Bệnh viện 103 đã thành công ghép phổi đầu tiên trên người ở Việt Nam...
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng cho rằng năm nay tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại sẽ có nhiều khó khăn thì càng phải thi đua, phải tạo phong trào thi đua yêu nước mạnh để vượt quá khó khăn và phát triển đất nước.
Các phong trào thi đua phải gắn với các vấn đề cụ thể của địa phương, ngành, đặc biệt phải đối mới cách lựa chọn, sáng tạo hơn trong trong tìm kiếm, tuyên dương các tấm gương, con người có đóng góp lớn cho xã hội, đất nước. Phải minh bạch, công khai trong xét chọn, tuyên dương. Khuyến khích khởi nghiệp ở lớp trẻ, thanh niên nông thôn, chú trọng tôn vinh những tiến bộ, văn minh, chăm lo người nghèo, phòng chống thiên tai…
Thi đua khen thưởng phải gắn với chống tiêu cực, tham nhũng
Chủ tịch Hội đồng TĐ-KT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến, mô hình mới, nhân tố mới là việc làm cần thiết. Ở Việt Nam có nhiều tâm gương tốt, nhiều nhân vật điển hình tốt, người tốt, việc tốt… Vấn đề là chưa tuyên truyền tốt, chưa làm lan toả rộng.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý còn nhiều mặt chưa tốt, chưa tích cực lại được chưa đầy đủ, đa chiều, nhất là trên mạng xã hội. Thông qua phong trào thi đua yêu nước lồng ghép những vấn đề gì, gắn với tình hình đất nước, những việc làm thiết thực chứ không phải là hình thức.
"Chống tiêu cực, tham nhũng càng phải nêu đậm trong phong trào thi đua khen thưởng để phong trào là thực chất, không phải là hình thức, là bệnh thành tích" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)