Thủ tướng yêu cầu thanh tra toàn diện vụ MobiFone mua 95% AVG - Ảnh minh họa
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiến hành thanh tra toàn diện việc mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Văn bản số 1621-CV/VPTW ngày 22-7-2016 của Văn phòng Trung ương về việc tiến hành thanh tra toàn diện việc mua 95% cổ phần của AVG, Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành thanh tra toàn diện về dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 8-1, MobiFone cho biết, tháng 12/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã ban hành quyết định chính thức phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone.
Mặc dù thông báo đã mua cổ phần của AVG nhưng MobiFone không cho biết cụ thể số cổ phần đã mua là bao nhiêu. Tuy nhiên, trước đó, trên một số báo, lãnh đạo MobiFone có cho biết MobiFone mua AVG với tỉ lệ 95% cổ phần của AVG dù cũng không tiết lộ số tiền mua là bao nhiêu. Đồng thời cũng cho biết MobiFone sẽ tiếp nhận nguyên trạng truyền hình An Viên trong vòng 3-6 tháng.
Mạng di động này cho biết việc đầu tư, kinh doanh truyền hình kỹ thuật số là bước đi nằm trong chiến lược kinh doanh của MobiFone giai đoạn 2016 - 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
Thời gian tới, MobiFone sẽ kết hợp các dịch vụ giữa viễn thông di động và truyền hình, cung cấp dịch vụ truyền hình có tính tương tác cao, cung cấp dịch vụ truyền hình với nội dung hấp dẫn, chất lượng cao, cung cấp các dịch vụ tương tác, các gói cước mới tích hợp giữa truyền hình và di động.
MobiFone cũng cho biết, sẽ sử dụng mạng lưới phân phối rộng khắp của nhà mạng để cung cấp dịch vụ cho khách hàng ở khắp mọi miền đất nước...
Đồng thời sẽ đẩy mạnh chính sách liên kết để sản xuất nội dung truyền hình, hợp tác với các đài phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương để tận dụng tối đa các lợi thế sản xuất và am hiểu văn hóa từng vùng miền, trong đó ưu tiên các nội dung trải nghiệm thực tế, tin nhanh tại các địa bàn.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc MobiFone, cho biết MobiFone đặt mục tiêu phát triển 1 triệu khách hàng đăng ký mới dịch vụ truyền hình trong năm 2016 và đến năm 2020 trở thành 1 trong 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam.
Truyền hình AVG chính thức phát sóng ngày 11-11-2011 sau 1 năm phát sóng thử nghiệm trên 2 hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình là truyền hình số mặt đất và truyền hình số vệ tinh, sử dụng công nghệ truyền dẫn phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất thế hệ 2 (DVB-T2), chuẩn nén MPEG4 và công nghệ mạng đơn tần (SFN).
Thời điểm đó, lãnh đạo AVG giới thiệu là công nghệ truyền hình tiên tiến nhất thế giới trong việc truyền dẫn, phát sóng và là đơn vị đầu tiên của châu Á thử nghiệm thành công và triển khai áp dụng trên diện rộng.
Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, nhiều đài truyền hình như Đài truyền hinh Việt Nam (VTV), Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số Miền Nam (SDTV), Công ty Cổ phần Truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng sông Hồng (RTB)… cũng đang sử dụng công nghệ kỹ thuật số mặt đất thế hệ 2 (DVB-T2) như AVG.
Công nghệ của AVG chỉ còn hơn công nghệ truyền hình kỹ thuật số mặt đất thế hệ 1 của VTC - công nghệ đầu tiên mà nhà đài này đã tiên phong cách đây hơn 10 năm.
Nguồn lực của AVG còn được cộng hưởng với hệ thống kênh tần số (còn được gọi là giấy phép) - điều kiện để phát sóng các chương trình truyền hình - với bốn kênh tần số trên hạ tầng truyền hình số mặt đất gồm 56, 57, 58 và 59 mà Bộ TT-TT đã cấp. Tuy nhiên, do số lượng kênh tần số này là của Nhà nước cấp cho AVG sử dụng (không phải bán) nên khi AVG không sử dụng sẽ phải trả lại, còn nếu bán (bán công ty) thì phải chuyển giao.
Hiện AVG là nhà cung cấp dịch vụ và xây dựng hạ tầng truyền hình nên không được độc lập đứng tên làm chủ các kênh truyền hình và tự chủ sản xuất nội dung mà phải liên kết với các đài phát thanh và truyền hình để sản xuất. Tiêu biểu như kênh truyền hình về Phật Giáo (kênh An Viên) mà AVG đã liên kết với Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương (BTV) sản xuất nội dung; kênh An ninh TV (ANTV) mà AVG hợp tác với Trung tâm Phát thanh - Truyền hình, Điện ảnh CAND; hay liên kết với Truyền hình Hà Nội để sản xuất nội dung cho kênh An ninh thế giới…
Một số kênh như kênh ca nhạc (Việt Teen), kênh thiếu nhi (SAM) và các kênh liên kết trên của AVG, dưới đánh giá của người dùng, là những kênh xem được, dù không quá đặc sắc. Dù vậy, trong số các doanh nghiệp lớn về truyền hình trả tiền, như hai “ông lớn” SCTV hay VTVcab thì nội dung của AVG còn kém khá xa, với K+, HTV…, AVG cũng không lợi thế bằng.
Có lẽ thành quả và tài sản lớn nhất của AVG ở thời điểm hiện tại là khoảng hơn 400.000 thuê bao. Trong tổng số 9,9 triệu thuê bao truyền hình trả tiền hiện nay và so với các doanh nghiệp lớn về truyền hình trả tiền thì lượng thuê bao của AVG cũng gần như là thấp nhất.
Chưa kể, thuê bao của đơn vị này chủ yếu phát triển ở nông thôn nhờ giá rẻ (trung bình 30-50 nghìn thuê bao) và nhờ chính sách miễn phí thuê bao từ 1-2 năm. Do đặc điểm của lượng thuê bao này nên khả năng gia tăng các nguồn thu từ các dịch vụ giá trị gia tăng cũng là không cao.
Bình luận (0)