Thành lập từ tháng 1-1997, với tiền thân là Doanh nghiệp Vận tải và Thương mại Thuận Thảo, Công ty CP Thuận Thảo từng được xem là đầu tàu kinh tế của tỉnh Phú Yên. Sau 20 năm hoạt động, hiện công ty này trở thành một trong những doanh nghiệp nợ thuế lớn nhất ở tỉnh này.
Ông Phan Hăng, Trưởng Phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế - Cục Thuế tỉnh Phú Yên, cho biết hiện số thuế còn nợ của Công ty CP Thuận Thảo lên đến 119,3 tỉ đồng. Từ ngày 1-3, Cục Thuế tỉnh Phú Yên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế đối với Công ty CP Thuận Thảo bằng hình thức công bố hóa đơn không còn giá trị. Trước đó, công ty này đã bị phong tỏa tài khoản. Các biện pháp như niêm phong, phát mãi tài sản để thu hồi nợ thuế ở Công ty CP Thuận Thảo không thể thực hiện bởi tài sản đã bị thế chấp ngân hàng. Về thông tin Công ty CP Thuận Thảo đã chuyển nhượng phần lớn tài sản, ông Hăng khẳng định là có nhưng chỉ chuyển nhượng ở khối vận tải.
Ông Công Văn Lãnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Phú Yên, cho rằng còn nhiều biện pháp mạnh hơn để thu hồi khoản nợ thuế đối với Công ty CP Thuận Thảo. Cụ thể, nếu sau 1 năm công bố hóa đơn không còn giá trị, nếu không thu hồi được thuế thì Cục Thuế tỉnh Phú Yên sẽ chuyển sang thu hồi đối với người thứ 3 nếu phát hiện có người nắm giữ tài sản của Công ty CP Thuận Thảo. “Nếu sau đó vẫn không thu hồi được nợ hoặc thu hồi không hết nợ thì Cục Thuế tỉnh Phú Yên sẽ đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi giấy phép kinh doanh của công ty” - ông Lãnh kiên quyết.
Tuy nhiên, theo ông Lãnh, vừa rồi mặc dù đã thông báo hóa đơn Công ty CP Thuận Thảo không còn giá trị nhưng để tạo điều kiện công ty bán hàng nhằm thu hồi vốn và trả lương cho công nhân, Bộ Tài chính cho phép Cục Thuế tỉnh Phú Yên cấp từng số hóa đơn lẻ; có nghĩa rằng khi công ty muốn bán hàng thì phải đến cơ quan thuế mua hóa đơn lẻ để xuất và phải nộp 18% thuế để trừ dần vào các khoản nợ thuế.
Vừa qua, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Phú Tài (tỉnh Bình Định) đã kiện Công ty CP Thuận Thảo vì bị nợ quá hạn khoảng 600 tỉ đồng. Tòa án quyết định chậm nhất đến ngày 30-6, Công ty CP Thuận Thảo phải trả hết nợ hoặc bán tài sản để trả nợ cho ngân hàng. Ngay sau đó, Cục Thuế tỉnh Phú Yên đã mời BIDV Chi nhánh Phú Tài bàn về các biện pháp thu hồi nợ thuế đối với Công ty CP Thuận Thảo.
Tại cuộc họp mới đây, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã mời đại diện BIDV Chi nhánh Phú Tài tham dự để bàn biện pháp thu hồi nợ thuế đối với Công ty CP Thuận Thảo. Ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, kết luận nếu bán tài sản của Công ty CP Thuận Thảo thì trước hết phải ưu tiên trả nợ thuế.
“Tài sản của Công ty CP Thuận Thảo chỉ là tài sản trên đất nhưng đất này thuê của nhà nước, do tỉnh quản lý. Nếu bán đất mà không có ý kiến đồng ý của tỉnh cũng không được. Tỉnh đưa ra ràng buộc phải ưu tiên thu hồi nợ thuế khi bán đất thì tôi tìm cách thu hồi được khoản nợ này” - ông Lãnh khẳng định.
Công ty vàng cũng nợ thuế đầm đìa
Theo Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, dù tạm ngừng hoạt động vài tháng nay nhưng Công ty TNHH Vàng Phước Sơn vẫn đều đặn trả nợ thuế mỗi tháng hơn 30 tỉ đồng. Từ tháng 8-2016 đến nay, công ty trên đã nộp hơn 210 tỉ đồng. Công ty này tạm dừng hoạt động do thua lỗ, nợ nần từ cuối năm 2013 đầu 2014 và nợ thuế hơn 334,9 tỉ đồng. Ngoài ra, công ty trên còn nợ Ngân hàng TMCP Việt Á 4,5 triệu USD và nhiều hộ buôn bán, kinh doanh khác. Tháng 8-2016, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đã đồng ý để Ngân hàng Việt Á bảo lãnh trả số tiền nợ thuế hơn 334,9 tỉ đồng cho Công ty TNHH Vàng Phước Sơn. Số nợ này sẽ được trả trong vòng không quá 12 tháng kể từ thời điểm hoạt động.
Vào cuối năm 2013 đầu 2014, Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (huyện Phú Ninh) cũng hoạt động cầm chừng và không chịu nộp thuế. Theo thống kê, đến cuối năm 2016, công ty còn nợ thuế trên 103 tỉ đồng. Dù cơ quan thuế nhiều lần ra quyết định cưỡng chế thu hồi thuế nhưng vẫn không thu hồi được nợ. Tr.Thường
Bình luận (0)