Sáng 19-1, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) do ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế, làm trưởng đoàn, đã kiểm tra đột xuất một số cơ sở sản xuất mứt truyền thống ở 2 phường Xuân Tảo và Xuân La, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.
Chủ cơ sở “bỏ của chạy lấy người”
Trên một bãi đất rộng sát đường lớn được quây bằng tôn, đoàn kiểm tra bất ngờ phát hiện cả trăm ký bí xanh, đu đủ đã được cắt khúc, thái lát để làm mứt Tết phơi lộ thiên trên những tấm vải bạt bẩn, nhiều chỗ rách trải trên nền đất. Nhiều miếng mứt bí còn ướt tẩm bụi đất, cát đen kịt.
Thậm chí, trên một số tấm bạt phơi mứt còn vương cả chất thải khô. Trên mặt sân phơi, ruồi bu đen nguyên liệu. Xung quanh chỗ phơi mứt là rác, chai lọ bẩn vứt vương vãi. Ngay liền kề khu vực phơi cả trăm ký mứt các loại là nhà vệ sinh quây tạm, bốc mùi hôi thối khiến những người đi kiểm tra cũng thấy buồn nôn. Sát đó, rất nhiều xe đẩy, thùng đựng nước vôi ngâm bí.
Theo người dân ở khu vực này, ngay khi thấy đoàn kiểm tra, chủ cơ sở đã “bỏ của chạy lấy người”. Hiện trường để lại là nhiều đống bí thái lát còn chưa kịp phơi ra trên nền thảm bụi bẩn.
Ông Nguyễn Duy Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Tảo, cho biết chưa xác định được ai là chủ của sân nguyên liệu trên. Trước mắt, phường sẽ tịch thu, tiêu hủy toàn bộ số nguyên liệu thực phẩm, kiểm tra về giấy phép đăng ký kinh doanh và giấy tờ liên quan.
Ông Tuấn nhận định đây chỉ là “trường hợp cá biệt” bởi địa phương thường xuyên kiểm tra, thấy các hộ dân sản xuất bánh kẹo trên địa bàn thực hiện rất tốt quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. “Chúng tôi sẽ tìm ra số nguyên liệu mứt này của cơ sở nào và sẽ xử lý nghiêm, không để tình trạng “một con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng đến uy tín làng nghề” - ông nhấn mạnh.
Trước vụ việc này, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng không cần xét nghiệm cũng đủ cơ sở để khẳng định nguyên liệu phơi không bảo đảm vệ sinh ATTP. Ông Phong đề nghị địa phương phải nhanh chóng làm rõ chủ sân phơi nguyên liệu làm mứt này để xử lý nghiêm khắc. Theo quy định, mứt phải được phơi trên giá, trên kệ, cách đất ít nhất 60 cm. Số mứt ở đây được phơi sát nền đất đã vi phạm nghiêm trọng quy trình chế biến, sản xuất.
Mì, bánh, chả... đẫm hàn the
Cùng ngày, tại tỉnh Bình Dương, nhiều người dân đi mua thực phẩm ở chợ Lái Thiêu và chợ Búng (đều thuộc thị xã Thuận An) đã tá hỏa khi nghe lực lượng chức năng thông báo kết quả test nhanh cho thấy hàng loạt điểm bán mì sợi vàng, chả, bánh đúc, bánh da lợn ở 2 chợ này chứa hàn the. Đây là những mặt hàng lâu nay nhiều người vẫn mua về sử dụng hằng ngày.
Trước đó, tỉnh Bình Dương đã cử một đoàn liên ngành đi kiểm tra thực phẩm Tết ở 2 chợ này. Đoàn đã phát hiện những sợi mì vàng (chuyên dùng để làm món mì xào hoặc hủ tiếu mì) bán tại sạp hàng của bà Mai Thị Phương (52 tuổi) ở chợ Lái Thiêu rất kỳ lạ. Chúng không bở, không mềm mà dai như cao su. Một cán bộ HĐND đi trong đoàn kiểm tra đã thảng thốt khi cầm sợi mì kéo căng ra mà không đứt, ngâm vào nước 10 phút vẫn không rã. Một cán bộ khác cầm nguyên bịch sợi mì vàng khoảng 5 kg ném xuống đất, lấy giày đạp lên nhưng không nát, không biến dạng mà đàn hồi như cao su!
Cán bộ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bình Dương cũng đã cắt mì sợi vàng của bà Phương ra làm nhiều mảnh nhỏ bỏ vào ống thủy tinh để test nhanh. Kết quả, sợi mì nhiễm nặng hàn the, que thử từ màu vàng chuyển sang màu đỏ đậm.
Đoàn kiểm tra rời sạp bà Phương ghé sang sạp của bà Hồ Thị Bông (52 tuổi) ở kế bên. Kết quả test nhanh cũng cho thấy toàn bộ số mì sợi vàng mà bà Bông đang bán đều chứa hàn the.
Loại “mì cao su” này cũng được bà Phạm Thị Mỹ Phượng bày bán tại chợ Búng. Các tiểu thương đều tỏ ra ngỡ ngàng trước kết quả test nhanh. Họ bảo mình “vô tội”, chỉ mua đi bán lại, không hề hay biết mì chứa hàn the.
Trong khi đó, người dân đi chợ thì nhìn tiểu thương với ánh mắt trách cứ. “Tuần nào tôi cũng ra chợ này mua mì về làm món ăn sáng cho con. Vậy là tôi giết con tôi rồi!” - một phụ nữ có mặt tại chợ Lái Thiêu phẫn uất.
Tất cả chợ lớn ở Bình Dương đều sẽ bị kiểm tra, test nhanh trong 2 tuần tới. Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Dương, cho biết khoảng 40 cán bộ, nhân viên của Chi cục QLTT, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Thú y… sẽ tham gia đoàn liên ngành để thực hiện đợt tổng rà soát thực phẩm cận Tết này.
Ông Lê Hữu Thọ, Đội trưởng Đội QLTT khu vực thị xã Thuận An, cho hay chỉ trong sáng 19-1, đoàn liên ngành kiểm tra chợ Lái Thiêu, chợ Búng đã phát hiện khoảng 10 tiểu thương bán thực phẩm có sử dụng hàn the. Ngoài mì sợi vàng, chả là mặt hàng chứa hàn the nhiều nhất. Kiểm tra xe đẩy bán bánh ướt chả lụa của bà Nguyễn Thị Bảy (54 tuổi) trên vỉa hè gần chợ Lái Thiêu cho thấy cả 8 cây chả (làm từ thịt heo) đều chứa hàn the. Tại chợ Búng, khi kiểm tra 2 sạp bán chả chay (làm từ tàu hũ) đều cho kết quả dương tính với hàn the.
Bà Nguyễn Thị Hương Lệ, chủ sạp bán đồ chay chứa hàn the, phân trần: “Hàng này không phải tôi làm. Có ông ở dưới miền Tây chở lên cho tôi bán”. Bà Lệ cung cấp cho phóng viên Báo Người Lao Động số điện thoại của người đàn ông này. Chúng tôi gọi trao đổi thì người đàn ông cho biết mình lấy chả chay từ một trung gian khác. “Mỗi ngày, tôi lấy 10 kg chả chay đi bỏ mối. Tôi không biết nó sản xuất ở lò nào, chỉ nghe nói là làm tại An Giang” - ông ta phân bua.
Tất cả số mì sợi, chả, bánh đúc, bánh ướt chứa hàn the đều đã bị tiêu hủy ngay tại chợ. Lực lượng chức năng yêu cầu các tiểu thương cam kết không kinh doanh loại thực phẩm độc hại này nữa.
Nỗi lo canh cánh
Tại Hà Nội, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP TP, khẳng định các đoàn kiểm tra đã lấy 150 mẫu thực phẩm, bánh kẹo để kiểm nghiệm những chỉ tiêu về ATTP. Trong số 25 mẫu đã có kết quả, đoàn phát hiện một mẫu bim bim có chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép...
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, các cá nhân hay tổ chức vi phạm về ATTP ngày càng tinh vi nên việc phát hiện cũng khó khăn hơn. Vì thế, công tác thanh tra, kiểm tra sẽ có trọng tâm, trọng điểm và tập trung mạnh vào sản phẩm có nhu cầu lớn trong dịp Tết Nguyên đán. Mọi hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung vào các chợ đầu mối, cơ sở kinh doanh lớn, nơi trung chuyển về các địa phương.
“Cơ sở nào không bảo đảm, lập tức rút giấy phép. Kiên quyết không để các cơ sở đó cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng. Chúng tôi sẽ công khai những cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết” - ông Phong nhấn mạnh.
Trước hàng loạt vụ vi phạm về ATTP đã phát hiện, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng con số này chưa thể phản ánh đầy đủ tình hình thực tế ở nước ta. “Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Ngay cả các nước phát triển, dù đã có hệ thống giám sát thực phẩm nhưng số vụ vi phạm an toàn vệ sinh phát hiện được cũng chỉ chiếm khoảng 10% so với thực tế” - ông Phong nói. n
“Chúng ta tự đầu độc nhau!”
Ông Nguyễn Thành Danh cho hay dịp cận Tết những năm trước, các loại thực phẩm chứa hàn the cũng đổ về các chợ ở Bình Dương với số lượng lớn. Nhiều lần lực lượng QLTT phải phục đón vào lúc 23-24 giờ hoặc 3-4 giờ để chặn những người đi bỏ mối thực phẩm có hàn the cho các chợ. Dù chặn bắt được nhưng không thể truy ra lò sản xuất vì người chở, người bán không hợp tác, khai báo.
“Ăn thực phẩm chứa hàn the thì hàn the sẽ tích tụ trong gan, lâu ngày có thể tạo ra tế bào ung thư. Hết mì sợi chứa hàn the rồi đến bánh phở chứa formol, nước giải khát bỏ phẩm màu… Thiệt là chán! Riết rồi giống như chúng ta đang đầu độc nhau!” - ông Danh bức xúc.
Bình luận (0)