Tín nhiệm thấp thì phải bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc nếu có “văn hóa” thì nên từ chức gần như là việc đương nhiên, không phải bàn nhiều. Song trên thực tế lại không hề dễ dàng như vậy bởi việc đề bạt, bầu hoặc miễn nhiệm, cách chức một chức danh lãnh đạo phải thông qua một quy trình. Ngay như việc QH muốn bỏ phiếu tín nhiệm một chức danh do cơ quan quyền lực này bầu hoặc phê chuẩn cũng không đơn giản. Theo đó, muốn đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm một chức danh tại QH, trước hết phải có ít nhất 20% tổng số đại biểu hoặc Hội đồng Dân tộc đề nghị.
Do vậy, trong nhiều khóa họp vừa qua, QH chưa đưa ra bỏ phiếu bất cứ một trường hợp nào dù không phải không có những đại biểu QH bị cử tri phàn nàn về uy tín. Bức xúc và bất bình nhưng do quy định phải có ít nhất 20% tổng số đại biểu QH đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm mới đưa ra bỏ phiếu nên quy định tuy có song chưa một lần được thực hiện.
Nội chỉ việc đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm thôi đã khó nên cả chục năm qua mới chỉ có 2 trường hợp chức danh do QH phê chuẩn chủ động xin từ chức là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ từ chức tháng 4-2004 (do vụ Lã Thị Kim Oanh), Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình từ chức tháng 4-2006 sau hàng loạt sự cố và tiêu cực như đổ tàu E1 và đặc biệt là vụ tiêu cực PMU18.
Thế nên, việc QH đang thảo luận để tiến tới ra nghị quyết về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ giúp bình thường hóa một việc ngỡ rằng “bình thường” song lại quá khó tiến hành do thiếu cơ chế thực thi. Nếu được QH thông qua trong kỳ họp này, việc lấy hay bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm sẽ trở thành thước đo tín nhiệm với các chức danh do QH và HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Tín nhiệm cao là sự khích lệ, động viên để người lãnh đạo hoặc cán bộ thêm nhiệt tình, hăng hái làm việc và cống hiến; còn tín nhiệm thấp là sự cảnh tỉnh để biết mà sửa chữa, khắc phục điểm yếu, tồn tại hay khuyết điểm.
Bình luận (0)