Du lịch sinh thái Tả Van, Bãi Đá Cổ, Cầu Mây, Bản Hồ, suối Mường Hoa, suối La Ve, nơi tắm nước nóng Bản Hồ ở huyện Sapa - Lào Cai... bị đến 4 nhà máy thủy điện đang xây dựng xâm hại nặng nề.
Chỉ riêng Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Đà - Hoàng Liên đã có 3 công trình: Thủy điện Sử Pán 1 (xã Sử Pán), Sử Pán 2 (xã Bản Hồ), Nậm Củn (xã Thanh Phú) và một công trình do đơn vị thi công khác thực hiện là Séo Chung Hô (xã Tả Van)... Tất cả đều nằm trong chuỗi 17 công trình thủy điện vừa và nhỏ dự kiến xây ở Sapa.
Oằn mình
Sapa “bị thương” bắt đầu từ những con đường. Cung đường đến Bản Hồ dài khoảng 30 km, vốn chỉ dành cho khách du lịch đi xe máy hoặc ô tô nay đang bị cày nát bởi những xe tải lớn ngày đêm lao rầm rập.
Ngoài những cơn bụi khổng lồ và tiếng còi đinh tai sau mỗi lần xe di chuyển, mặt đường thêm một lần bị cày xới, đầy ổ trâu, ổ voi, nhất là những đoạn có nước suối chảy qua, tạo thành những vũng nước khổng lồ khiến du khách khiếp sợ khi ngang qua. Có đoạn đường bị sạt lở đến một phần tư.
Gần xã Bản Hồ, đứng trên núi cao phóng tầm mắt về khu vực thủy điện Sử Pán 2 (dự kiến công suất 34,5 MW) cảnh tượng ngổn ngang bày ra trước mắt. Nhiều mảng rừng lớn bị “xẻ thịt” kéo dài từ trên đỉnh núi xuống gần bản, để lộ ra những khoảng đất trống.
Sườn núi bị đào tung để làm đường cho xe chở vật liệu, đưa máy móc vào xây đập, làm đường ống dẫn nước. Mỗi lần xe đi qua, một đám mây bụi khổng lồ bùng lên, bay xuống bản làng.
Thủy điện về núi, tưởng dân bản vui hóa ra lại buồn. Chị Pàn Muồi Nảy, ở thôn Hoàng Liên, xã Bản Hồ, cho biết nương sắn nhà chị đã bị mất vì nhà máy đổ đất làm hỏng mương. Tiền đền bù cho gia đình chị không đáng kể, chỉ 4.000 đồng/m2.
Suối La Ve ở huyện Sapa - Lào Cai bị đất đá từ các công trình thủy điện bồi lấp, làm khô cạn và thay đổi dòng chảy
Ngoài làm nương ra, chị còn bán hàng thổ cẩm nhưng từ khi làm thủy điện, chị không bán được hàng vì khách du lịch ít dần.
Theo chân Pàn Tả Mẩy, một thanh niên ở thôn Bản Dền, xã Bản Hồ, chúng tôi chứng kiến tận mắt sự hư hại của dòng suối La Ve đã đến mức khủng khiếp. Con suối này được du khách nước ngoài ưa thích bởi nước trong, nằm giữa khe núi tuyệt đẹp, vốn được coi là “bãi tắm Tây” của Bản Hồ giờ đây vắng hoe.
“Rừng bị phá, khi vào mùa mưa, lũ kéo đất đá lấp hết cả lòng suối. Từ khi người ta làm thủy điện, suối chỉ toàn bùn đất, đục ngầu và bẩn thỉu nên không còn ai xuống tắm nữa!” - Pàn Tả Mẩy thở dài. Chung số phận, con suối Mường Hoa đầy nước và tươi mát nay cũng ngổn ngang đất đá giữa dòng, màu trong xanh cũng đã mất.
Người dân phản đối
Trước thảm trạng đó, người dân Nậm Cang, xã Bản Hồ đã kiên quyết phản đối việc xây thủy điện. Đầu năm 2009, nhân dân xã Bản Hồ ký đơn tập thể phản ánh việc thi công nhà máy thủy điện Sử Pán 2 làm ảnh hưởng môi trường suối Mường Hoa và các hộ dân.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Đà - Hoàng Liên đã không thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Công ty này đã đổ đất đá phía dưới mặt bằng nhà máy thủy điện đang thi công xuống suối với chiều dài khoảng 200 m, chiếm lòng suối 7 m, cao 4 m, gây ô nhiễm môi trường nước và ảnh hưởng đến dòng chảy. Toàn bộ khối lượng đất đá đổ xuống suối tại thời điểm kiểm tra khoảng 5.600 m³, tác động đến dòng chảy.
Phản ứng của người dân khiến công trình thủy điện hơn 1 năm vẫn chưa làm được. “Cả làng đã sáng trưng rồi, xây thủy điện làm gì nữa. Chúng tôi không cho thủy điện vào phá làng” - Pàn Lở Mẩy, một người dân thôn, nói gay gắt.
Lo cái đói trước mắt
Có thủy điện, nhiều hộ dân bị mất đất, mất ruộng, trong khi tiền đền bù chẳng là bao. Lúc đầu, họ thấy có tiền đền bù nên chưa nghĩ xa, về sau mới thấm thía hậu quả vì không còn đất canh tác. Theo anh Luyến ở thôn Bản Dền, dân có ruộng thì không lo đói, chứ mất ruộng rồi họ không biết phải làm gì để sống.
Một diện tích ruộng đáng kể đang canh tác tại bờ suối Mường Hoa cũng bị đất đá vùi lấp. “Hằng ngày, tiếng máy móc, xe tải, bom mìn phá núi khiến dân bản thỉnh thoảng giật mình thon thót, còn du khách thì ai cũng ngán ngẩm, đến rồi đi ngay chứ không ở lại như trước” - anh Luyến nói.
Đất đá từ các công trình thủy điện còn đổ xuống suối làm thay đổi dòng chảy của lũ, khiến hai bờ sạt lở nghiêm trọng. Trước Trạm Y tế xã Bản Hồ, ven suối Mường Hoa, anh Thủy, nhân viên y tế của trạm, cho biết từ trạm nhìn ra là một dải ruộng của người dân bản, có cả hộ dân ở và chuồng gia súc, gia cầm.
Tuy nhiên, đất đá từ đầu nguồn đã lấp mất ruộng của người dân. Quả thật, nhìn những khối đất đá ở hai bên bờ suối, không ai còn nhận ra cách đây chỉ 1 năm, nơi này còn là ruộng lúa!
Lào Cai sẽ có... 119 thủy điện ! Theo quy hoạch, tỉnh Lào Cai được Bộ Công Thương phê duyệt 119 công trình thủy điện vừa và nhỏ.
|
Kỳ tới: Ngành du lịch kêu cứu
Bình luận (0)