Thủy điện An Khê - Kanak (nằm ở sông Ba, huyện K’Bang và thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) bắt đầu chặn dòng tích nước từ năm 2010. Chủ đầu tư đã triển khai một số tuyến đường nhưng không bảo đảm chất lượng. Trong quá trình xây dựng thủy điện, đơn vị thi công đã làm hư một số công trình thủy lợi như đập Mãi và đập Ý. Hiện thủy điện này cũng chưa có hành lang rào chắn để bảo vệ dọc tuyến kênh A1.
Không còn cầu treo, người dân làng Droch phải vượt lòng hồ thủy điện Đắk Đoa để vận chuyển nông sản
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Bí thư Thị ủy An Khê, việc chậm triển khai các công trình như cam kết gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và an toàn cho người dân. Đặc biệt, đường kênh dẫn nước từ bờ đập xuống không có hành lang hộ chắn, rất nguy hiểm. Đập Ý và đập Mãi bị hư hỏng, không tích nước được khiến dân không có nước tưới vào mùa khô.
“Chúng tôi đã nhiều lần làm việc và kiến nghị thủy điện thực hiện cam kết nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện” - bà Lịch nói.
Trong khi đó, thủy điện Đắk Đoa (xã Đắk Sơ Mei, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) của Công ty CP Thủy điện Đắk Đoa được xây dựng trên suối Ia Krom từ năm 2007.
Trước khi thủy điện xây dựng, suối Ia Krom nước cạn nên người dân thôn A Droch, xã Đắk Sơ Mei chỉ cần làm cầu gỗ tạm để qua suối đến với khu sản xuất. Khi thủy điện Đắk Đoa chuẩn bị xây dựng, để được người dân đồng thuận, chủ đầu tư thủy điện cam kết làm đường vòng cho dân đi lại, kèm theo đó là hằng năm phải duy tu, sửa chữa cầu phao.
Theo ông Nguyễn Cao Thuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Sơ Mei, chủ đầu tư đã làm đường vòng khoảng 6 km để dân đi đến khu sản xuất. Riêng về cầu phao, Công ty CP Thủy điện Đắk Đoa không sửa chữa như đã hứa nên cầu phao bắc qua lòng hồ đã “tê liệt” hơn 3 năm nay.
Hiện tại, 110 hộ dân thôn A Droch phải đi đường vòng để qua khoảng 100 ha đất sản xuất. Người có xe máy phải mất khoảng nửa giờ. Nhiều người không có xe thì đi bộ lên rẫy.
“Vào mùa mưa, đường đất trơn trượt, không đi được. Nhiều hộ không có xe, đánh liều vượt lòng hồ để vận chuyển nông sản” - ông Gyan, Trưởng thôn A Droch, nói và cho biết gia đình ông trồng 1,4 ha mì bên kia lòng hồ. Năm ngoái, do không có xe chở nên ông phải kết bè bằng nứa để chở mì vượt hồ.
Ông Lê Viết Phẩm, Chủ tịch UBND huyện Đắk Đoa, khẳng định quan điểm của huyện là hứa với dân thì phải làm. Tuy nhiên, thủy điện nêu ra nhiều khó khăn nên đến nay vẫn chưa thực hiện. Về vấn đề này, cử tri huyện Đắk Đoa phản ánh với đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai trong các buổi tiếp xúc cử tri. HĐND tỉnh đã có báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri, đề nghị UBND tỉnh có ý kiến để Công ty CP Thủy điện Đắk Đoa thực hiện cam kết.
Bình luận (0)