Sự cố nổ đường ống dẫn nước ở công trình thủy điện Đạm Bol (xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm - Lâm Đồng) ngày 14-6 làm một người chết, một người mất tích và 3 người trọng thương khiến dư luận hết sức lo ngại, nhất là những người sống gần các dự án thủy điện nhỏ.
Hiện nay, nhiều dự án thủy điện nhỏ dường như không mấy quan tâm đến chuyện an toàn kỹ thuật của công trình.
Tai họa chực chờ
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, sau một tiếng nổ lớn sáng 14-6, đường ống dẫn nước của công trình thủy điện Đạm Bol đã bị vỡ khoảng 100 m khiến hàng ngàn mét khối nước kéo theo bùn đất dội từ trên cao xuống cuốn trôi 2 căn nhà và làm 5 người thương vong.
Đến chiều 18-6, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục tìm kiếm nạn nhân mất tích trong đống đổ nát có phạm vi khá lớn.
Chiều 18-6, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục tìm kiếm người mất tích
trong vụ nổ ống nước ở thủy điện Đạm Bol. Ảnh: THI HOÀNG
Vụ việc ở thủy điện Đạm Bol không phải là sự cố đầu tiên xảy ra tại Tây Nguyên. Trước đó, tháng 11-2010, kênh dẫn nước thủy điện Đắk Nrung I (huyện Đắk Song - Đắk Nông) đã vỡ toang làm hơn 100 hộ dân bị cô lập nhiều ngày liền, cuốn trôi hàng trăm hecta cây trồng.
Điều đáng nói là ngay sau khi thủy điện Đắk Nrung I đi vào hoạt động, người dân đã làm nhiều đơn thư phản ánh về việc kênh dẫn nước bị thấm nhưng nhà đầu tư vẫn không đoái hoài đến.
Mới đây, đêm 24-5, “cú đánh úp” xả lũ đột ngột của Nhà máy Thủy điện An Khê – Kanak ở Gia Lai đã làm cho người dân trở tay không kịp. Hàng chục hecta hoa màu cùng nhiều tài sản của người dân trôi theo dòng nước xả của nhà máy thủy điện này, rất may không có người nào gặp nạn…
Nhiều người lo ngại rằng sự cố như ở thủy điện Đạm Bol rồi sẽ còn xảy ra tại những công trình thủy điện nhỏ vốn tràn lan trên Tây Nguyên.
PGS-TS Bảo Huy (Trường ĐH Tây Nguyên) cảnh báo: “E rằng chúng ta sẽ phải hứng chịu thảm họa từ thủy điện. Hiện nay, chúng ta chỉ cho phép xây dựng các nhà máy thủy điện một cách ồ ạt mà không giao cho họ quản lý lưu vực. Những khu rừng quanh các dòng sông bị xóa trắng. Điều này cực kỳ nguy hiểm bởi nếu xảy ra lũ lụt lớn thì không chỉ đe dọa đến tính mạng của người dân mà sự an toàn của nhà máy thủy điện cũng khó bảo đảm”.
Thiết bị Trung Quốc: Lựa chọn tối ưu!?
Tây Nguyên có hàng trăm dự án thủy điện nhỏ đã và đang được đầu tư xây dựng. Thời gian qua, hầu hết các dự án thủy điện đều gặp khó khăn về kinh tế, dẫn đến nhà đầu tư phải mua sắm các thiết bị rẻ tiền và cắt giảm một số thiết kế bảo đảm an toàn kỹ thuật.
Theo tính toán của nhà đầu tư, hiện nay, nếu đầu tư cho 1 MW điện với thiết bị của Trung Quốc chỉ tốn khoảng 25 tỉ đồng, trong khi nếu đặt hàng các nhà sản xuất châu Âu thì ít nhất cũng phải mất 55-70 tỉ đồng.
Thêm nữa, sử dụng các thiết bị của Trung Quốc rất dễ vận hành, sửa chữa; còn thiết bị châu Âu được sản xuất theo đơn đặt hàng nên rất khó nắm bắt được kỹ thuật. Điều này đã làm cho các nhà đầu tư không đắn đo nhiều khi lựa chọn các công nghệ của một số nhà sản xuất từ Trung Quốc mà xem nhẹ độ an toàn của chúng.
Ông Dương Chí Dũng, Trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn môi trường - Sở Công Thương Đắk Lắk, cho biết: “Trên địa bàn tỉnh có 9 nhà máy thủy điện nhỏ đang hoạt động với tổng công suất lắp máy chỉ đạt 58 MW, tất cả đều sử dụng thiết bị của các nhà sản xuất Trung Quốc, hoặc liên doanh giữa công ty Việt Nam và Trung Quốc. Đây là lựa chọn tối ưu cho các nhà đầu tư trong thời điểm khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn rất lớn và các thiết bị này chỉ có tuổi thọ khoảng 20-25 năm, quá ngắn với một nhà máy thủy điện”.
Theo ông Đinh Văn Tưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Điện Bảo Tân, chủ đầu tư dự án thủy điện Đạm Bol, nhà máy này có 3 tổ máy nhưng công suất chỉ 9,6 MW, được khởi công năm 2008 và vừa đưa vào vận hành vài tháng nay.
Riêng đường ống dẫn nước của nhà máy dài khoảng 3,5 km, đường kính 1,6 m, đặt ngầm dưới đất. Đường ống này là loại ống nhựa UPVC do T&T Baoer Cheng Hà Nội (công ty liên doanh giữa Tập đoàn T&T với Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Baoer Cheng - Trung Quốc) cung cấp và lắp đặt.
Lãnh đạo Công ty CP Điện Bảo Tân giải thích việc dùng ống nhựa UPVC cho công trình thủy điện Đạm Bol là do được giới thiệu đây là loại vật tư dễ lắp đặt trong thi công, có ưu điểm gọn nhẹ, được sản xuất theo công nghệ tiên tiến…
Tuy nhiên, theo một số người dân sống gần nơi xảy ra vụ nổ ống nước, đường ống thủy điện này sau khi được đưa vào sử dụng chưa bao lâu thì đã rò rỉ nhưng không thấy ai khắc phục hoặc cảnh báo.
Nhiều hệ lụy
Vai trò của thủy điện nhỏ trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc phát triển một cách vô tội vạ các công trình thủy điện nhỏ trên địa bàn rừng núi – sông suối ở Tây Nguyên như hiện nay gây nhiều quan ngại.
Theo quy hoạch của Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh, số lượng các công trình thủy điện vừa và nhỏ từ 70 năm 2004 đã tăng lên 91 năm 2008. Đến nay, đã có đến hơn 40 dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép đầu tư.
Ông Lương Văn Ngự, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Lâm Đồng, để có 1 MW điện từ các công trình này, Lâm Đồng phải mất trên dưới 15 ha đất, chủ yếu là đất lâm nghiệp.
Theo một thống kê, chỉ với 20 công trình thủy điện vừa và nhỏ triển khai ở Lâm Đồng, diện tích rừng tự nhiên của tỉnh đã phải mất đến 3.500 ha. Nếu tính cả 91 công trình nêu trên, diện tích rừng bị mất phải xấp xỉ 50.000 ha!
Tại Kon Tum, kế hoạch phát triển năng lượng vừa được UBND tỉnh xây dựng cho thấy đến năm 2015 sẽ hoàn thành 80 công trình thủy điện. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung khảo sát, điều tra, bổ sung quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ.
Ở Đắk Nông, bản đồ thủy điện nhỏ cũng được chính quyền địa phương vẽ lên rất hoành tráng với gần 40 dự án. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại, ngày 15-6, Sở Công Thương Đắk Nông đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh loại bỏ 7 dự án vì công suất quá nhỏ hoặc nằm ở khu đồi núi.
Với các công trình thủy điện nhỏ, dư luận còn nghi vấn về vấn đề “treo” dự án, về năng lực của một số chủ dự án kém, hay nạn “sang tên đổi chủ”, đầu tư kiểu “xí phần”…
Theo một cán bộ Sở Tài nguyên – Môi trường Lâm Đồng, quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh này đang có vấn đề, như công trình thủy điện nằm cạnh công trình thủy lợi (thủy điện Dak Me 1, Dak Me 2, Đạ Riuom…) nên hồ thủy điện không có nước; một số thủy điện nằm chồng lên các danh lam thắng cảnh (thủy điện Tà Hine chồng lên thác Bảo Đại, thủy điện Cam Ly chồng lên thắng cảnh thác Cam Ly…); công trình thủy điện không có điều kiện làm du lịch nhưng vẫn được xếp hạng là “thủy điện kết hợp với du lịch” (Cam Ly Thượng, Đạ Khai)…
Do đặc điểm về địa lý, Tây Nguyên được thiên nhiên ưu ái với nhiều hệ thống sông ngòi nên tiềm năng về thủy điện khá dồi dào. Tuy nhiên, với kiểu phát triển thủy điện một cách ồ ạt như vừa qua, hệ thống sông ngòi của Tây Nguyên đang bị tổn thương nghiêm trọng.
Chết đuối vì kênh nước thủy điện
Trước thực trạng nhiều nhà máy thủy điện nhỏ không bảo đảm an toàn kỹ thuật, ngày 15-6, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đắk Nông đã đến làm việc với Nhà máy Thủy điện Quảng Tín, công suất 5 MW ở huyện Đắk R’lấp. Kết quả kiểm tra cho thấy dù kênh dẫn dòng hở của thủy điện này đi qua khu dân cư với chiều dài gần 5 km, sâu hơn 3 m và cạnh đường giao thông nhưng không được rào chắn, che lưới, mất an toàn.
Trẻ em chơi đùa bên kênh nước cuồn cuộn chảy sâu hơn 3 m
của Nhà máy Thủy điện Quảng Tín. Ảnh: CAO NGUYÊN
Trước đó, cuối năm 2010, một người dân địa phương là anh Nguyễn Văn Thỏ đã rơi xuống kênh này và chết đuối. Người dân đã nhiều lần kiến nghị đến cơ quan chức năng cũng như nhà máy nhưng mọi việc đâu vẫn vào đấy. Hằng ngày, người dân phải đi lại bên cạnh dòng nước cuồn cuộn chảy, trẻ em vẫn chơi đùa cạnh kênh sâu hơn 3 m không được che đậy, rào chắn.
Ông Phan Thành Đạt, Chủ tịch UBND xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp, bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở Nhà máy Thủy điện Quảng Tín triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân nhưng doanh nghiệp cứ hứa lần này đến lần khác”. |
Bình luận (0)