Ngày 6-4, phóng viên Báo Người Lao Động đã có mặt tại 2 công trường xây dựng thủy điện Đắk Ble và Krông Pa 2 (xã Đắk Kroong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). Nơi đây, một diện tích rộng đang được san ủi, không còn bóng cây. Xung quanh là những cánh rừng mênh mông, xanh mướt với nhiều cây gỗ lớn của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và các công ty lâm nghiệp.
Đã tận thu hết gỗ!
Năm 2008, UBND tỉnh Gia Lai cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án thủy điện Đăk Ble cho DNTN Đức Tài (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai). Theo thiết kế, thủy điện này có công suất 5 MW nhưng lấy hơn 96 ha đất, trong đó gần 58,5 ha đất rừng tự nhiên, đặc biệt có gần 3 ha thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.
Cũng trong năm 2008, tỉnh Gia Lai cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án thủy điện Krông Pa 2 (chỉ cách Thủy điện Đăk Ble khoảng 1,5 km) cho Công ty CP Gia Lâm với công suất 15 MW trên diện tích 52 ha, trong đó có gần 11 ha rừng.
Dù đã được cấp phép từ lâu nhưng theo ông Nguyễn Tấn Hữu, Trưởng Phòng Quản lý điện năng Sở Công Thương Gia Lai, 2 công trình này chỉ mới thi công từ năm 2015 do chủ đầu tư thiếu kinh phí.
Ông Nguyễn Văn Thống, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk Kroong, cho biết trong diện tích của cả 2 dự án này, gỗ đã được tận thu hết. Trước đây, khu vực này có nhiều cây gỗ lớn, trong đó có cả gỗ quý như giáng hương. “Việc xây dựng các nhà máy thủy điện đã ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, đời sống của người dân bị xáo trộn” - ông Thống lo ngại.
Trong khi đó, ông Võ Ngộ, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Krông Pa (huyện Kbang) - đơn vị phải nhường đất để làm thủy điện Đắk Ble, lại cho rằng trữ lượng gỗ mất đi không nhiều. “Ảnh hưởng đến rừng chủ yếu ở vị trí xây dựng nhà máy nhưng cũng ít thôi” - ông Ngộ nói.
Khi đề cập việc mất đến hàng chục hecta rừng cho nhà máy thủy điện nhỏ, ông Ngộ cho rằng tỉnh phê duyệt dự án thì công ty phải chấp hành. Cùng vấn đề này, ông Võ Văn Phán, Chủ tịch UBND huyện Kbang, từ chối nêu quan điểm vì cho rằng chủ trương thực hiện dự án đã được cấp tỉnh và trung ương phê duyệt.
Một lãnh đạo Huyện ủy Kbang cho biết 2 dự án trên được phê duyệt trước khi có lệnh của Thủ tướng Chính phủ về việc đóng cửa rừng tự nhiên. Theo ông, nếu sau thời gian này thì chắc chắn dự án không thể được phê duyệt.
Ông Kpah Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho hay UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về 2 dự án thủy điện này.
Rừng đặc dụng cũng không tha
Trước đó, ngày 9-2, UBND tỉnh Đắk Lắk có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đề nghị chuyển đổi 5,41 ha đất rừng đặc dụng thuộc Khu Dự trữ thiên nhiên Nam Ka (huyện Lắk) để xây dựng Nhà máy Thủy điện Chư Pông Krông. Thủy điện này chỉ có công suất 7,5 MW do Công ty TNHH MTV Xây lắp điện Hưng Phúc (tỉnh Đắk Lắk) làm chủ đầu tư.
Nhà máy Thủy điện Chư Pông Krông đã được Bộ Công Thương và UBND tỉnh Đắk Lắk đưa vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ. Dự án này cũng được Bộ Tài nguyên - Môi trường đánh giá tác động môi trường và được HĐND tỉnh Đắk Lắk thông qua.
Đối với các dự án xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời mà UBND tỉnh Đắk Lắk đang cho nhiều nhà đầu tư khảo sát ở huyện Ea Súp và Buôn Đôn, ngày 6-4, ông Bùi Thanh Lam, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đắk Lắk, xác nhận vị trí đặt dự án có nhiều diện tích đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, cụ thể thế nào thì chờ kết quả khảo sát của nhà đầu tư. Sau đó, các sở, ngành liên quan thẩm tra, báo cáo UBND tỉnh rồi trình các bộ thẩm định trước khi trình Chính phủ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Tạm dừng cấp phép
Tại tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, cho biết năm 2006, Công ty CP Du lịch sinh thái Phương Nam (Công ty Phương Nam) được tỉnh cho thuê đất thực hiện dự án quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng với diện tích 304 ha ở xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà. Tuy nhiên, tháng 10-2014, do đơn vị này để xảy ra việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn nên tỉnh thu hồi 164 ha. Ước tính, hiện đã có gần 100 ha rừng bị “bốc hơi”.
Đổ lỗi cho việc này, ông Nguyễn Đức Phúc, Giám đốc Công ty Phương Nam, cho rằng năm 2013, công ty hợp đồng liên kết trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng, sản xuất trên đất lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi bò với HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bình Thạnh. Sau đó, HTX này cho hàng chục xã viên vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều xã viên được giao đất trồng rừng nhưng trồng cà phê, sau đó chuyển nhượng cho người khác.
Trong khi đó, ông Trần Văn Hội, Giám đốc HTX Bình Thạnh, lại cho rằng nguyên nhân người dân trồng cà phê trên đất dự án trồng rừng là do trong hợp đồng liên kết trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng với Công ty Phương Nam và HTX Bình Thạnh có nội dung thỏa thuận được trồng cà phê hoặc cây hoa màu ngắn ngày.
Ngoài ra, tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, do buông quản lý, hiện có 7 dự án cũng để diễn ra tình trạng mất rừng và lấn chiếm hàng trăm hecta đất rừng trái phép. Trước tình trạng này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo Sở NN-PTNT tạm dừng cấp phép đối với các dự án trên diện tích rừng tự nhiên.
“Nếu chưa cấp phép khai thác rừng để tận thu, tận dụng gỗ thì tạm dừng cấp phép; nếu đã cấp phép mà chưa thực hiện thì dừng các nội dung đã ghi trong giấy phép; nếu đã cấp phép và đang thực hiện thì dừng khai thác để kiểm tra, báo cáo về tác động môi trường, xem xét từng trường hợp cụ thể. Nếu sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật” - ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, cho biết.
“Chỉ lợi cho nhà đầu tư”
Ông Trần Đức Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tái khẳng định quyết tâm bảo vệ rừng và cho rằng mọi tác động vào rừng, đất rừng dù diện tích ít hay nhiều thì thẩm quyền quyết định phải là Chính phủ. Chẳng hạn, với hơn 5 ha rừng tỉnh Đắk Lắk xin chuyển đổi để làm thủy điện, dù không phải là rừng đặc dụng mà chỉ là cây bụi thì vẫn phải để tái sinh rừng. Nếu vẫn bất chấp để làm thủy điện thì không chỉ mất rừng mà còn gây nhiều hệ lụy, như người dân theo đường vào tàn phá rừng, không quản lý được. “Chuyển một diện tích rừng nhưng lại mất gấp nhiều lần như thế. Những thủy điện nhỏ không đem lại lợi ích gì cho quốc gia, không giải quyết được năng lượng, không thu hút được lao động địa phương mà chỉ lợi cho nhà đầu tư” - ông Thanh nhấn mạnh.
Với các dự án xây dựng năng lượng mặt trời, theo ông Thanh, cũng phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chứ không thể tùy tiện chuyển đổi. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đang đôn đốc các tỉnh thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng nên không thể có ý kiến khác được.
Bình luận (0)