Ngày 8-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã họp cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Thống nhất trình Quốc hội
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng khẳng định đây là cửa ngõ lớn và quan trọng bậc nhất quốc gia, dự kiến trong tương lai sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á. Dự án chia 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 1,2 triệu tấn/năm, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2023. Khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 7,837 tỉ USD (khoảng 164.589 tỉ đồng). Vốn nhà nước là 84.624 tỉ đồng, vốn ngoài nhà nước (vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết) là 79.965 tỉ đồng.
Tại phiên họp, các ý kiến của Ủy ban TVQH bày tỏ ủng hộ xây sân bay Long Thành và nhất trí việc Chính phủ trình dự án ra QH. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nhận định: “Trong tương lai, dự án có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế và an ninh quốc phòng khi nhu cầu bảo vệ đất nước cần phải có căn cứ không quân quy mô như sân bay Long Thành”.
Làm rõ khả năng huy động vốn
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế về báo cáo đầu tư dự án sân bay Long Thành của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm ủy ban Nguyễn Văn Phúc cho biết đa số ý kiến tán thành chủ trương này song có ý kiến lo ngại mức đầu tư trên mới chỉ là giai đoạn 1, nếu tính cả 3 giai đoạn thì tổng mức đầu tư sẽ rất lớn. Mặt khác, dự toán mức đầu tư cho giai đoạn 1 là ước tính, trong khi thực tế nhiều dự án giao thông phát sinh chi phí rất lớn so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Đáng chú ý, theo Ủy ban Kinh tế, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây sân bay Long Thành “là không đơn giản”. Đó là chưa kể vốn vay của các tổ chức quốc tế trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách khó khăn. Ngoài ra, dự án cần đầu tư số vốn lớn cho việc xây dựng hệ thống hạ tầng kết nối với sân bay. “Báo cáo chưa làm rõ khả năng huy động vốn” - báo cáo của Ủy ban Kinh tế chỉ rõ.
Báo cáo cũng nêu phương án giải phóng mặt bằng toàn bộ 5.000 ha trong giai đoạn 1 của dự án, chia làm 2 phân kỳ. Ủy ban Kinh tế cho rằng với kinh phí đền bù, hỗ trợ tái định cư rất lớn, dùng vốn ngân sách (khoảng 20.000 tỉ đồng) lại thực hiện trong thời gian ngắn dẫn đến cân đối vốn rất khó khăn. Việc chọn huyện Long Thành (Đồng Nai) để xây sân bay cũng chưa đưa ra phương án khác để so sánh, lựa chọn. “Cần làm rõ vị trí địa kinh tế cho phép xây dựng sân bay tại huyện Long Thành” - báo cáo thẩm tra đề nghị.
Có chung lo lắng với cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặt vấn đề: “Lo nhất là vốn ở đâu ra? Chỉ riêng phần vốn của nhà nước trong 2 năm, mỗi năm hơn 40.000 tỉ đồng. Trái phiếu QH cũng “khóa sổ” trong năm 2015. Tháng 10 tới đây báo cáo trước QH, Chính phủ cần làm rõ tiền nhà nước là tiền ở đâu?”.
Có cạnh tranh được với khu vực?
Báo cáo đầu tư của Chính phủ cũng được một số thành viên Ủy ban Kinh tế nhận định là chưa đánh giá được khả năng cạnh tranh với các sân bay trung chuyển lớn (từ 100-135 triệu khách/năm) đã có từ lâu trong khu vực như Suvarnbhumi - Thái Lan, Kuala Lumpur - Malaysia, Changi - Singapore. “Sân bay Long Thành có khả năng cạnh tranh và thu hút lượng khách của các sân bay trong khu vực không?” - cơ quan thẩm tra quan ngại.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng báo cáo chưa đánh giá hết các chi phí xã hội phải bỏ ra vì khoảng cách từ sân bay về trung tâm TP HCM là xa hơn so với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; nhất là chi phí vận hành, đào tạo nhân lực.
Mong muốn làm rõ hơn vai trò của sân bay Long Thành, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu yêu cầu Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về tác động của sân bay đến tình hình kinh tế - xã hội; hội nhập quốc tế của đất nước, nhất là giai đoạn sau năm 2020… “Đặc biệt cần làm rõ khả năng cạnh tranh của dự án để báo cáo QH” - ông Lưu góp ý.
Báo cáo việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép ở Trường Sa
Cùng ngày, Ủy ban TVQH cũng cho ý kiến về chương trình kỳ họp thứ 8 của QH. Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Ủy ban TVQH xem xét bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp. Cụ thể là “QH sẽ nghe Chính phủ báo cáo tình hình biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam”. “Dự kiến, nội dung trên được đưa ra vào chiều 25-10 để đại biểu QH nắm được thông tin cụ thể, đầy đủ hơn về vấn đề quan trọng này” - ông Phúc giải thích.
Ngoài ra, theo ông Phúc, tình hình lao động nước ngoài, nhất là lao động Trung Quốc tại Việt Nam, cũng là vấn đề được gửi đến đại biểu QH để nghiên cứu.
Kỳ họp thứ 8 sẽ khai mạc ngày 20-10, QH sẽ làm việc 33 ngày chính thức, bế mạc vào ngày 28-11. Theo chương trình dự kiến, việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh QH bầu và phê chuẩn sẽ diễn ra sáng 15-11 và thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm vào chiều cùng ngày.
Bình luận (0)