Chiều 8-6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Lấy tiền từ đâu?
Dự án sân bay Long Thành là một trong những nội dung thảo luận quan trọng tại kỳ họp thứ 3, QH khóa XIV. Tổng diện tích đất dự kiến thu hồi cho dự án này là hơn 5.600 ha. Tổng số hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất là 4.730 hộ, cá nhân với khoảng 15.000 người.
Đại biểu (ĐB) Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) cho rằng việc tách nội dung này thành dự án thành phần để triển khai là cần thiết. Qua tiếp xúc cử tri, người dân mong muốn dự án sớm được thực hiện để ổn định cuộc sống. "Nếu chúng ta tiếp tục chậm triển khai, con số 23.000 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư sẽ tiếp tục tăng lên" - ông Thống lo ngại.
Tuy nhiên, một trong những nội dung mà các ĐB băn khoăn là kinh phí thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Theo ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), kinh phí giải phóng mặt bằng phân bổ theo kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 5.000 tỉ đồng, trong khi tính toán sơ bộ phương án giải phóng mặt bằng của tỉnh Đồng Nai dự kiến khoảng trên 23.000 tỉ đồng. Vấn đề đặt ra là lấy đâu ra tiền khi kế hoạch đầu tư trung hạn đã phân bổ xong từ nay đến năm 2020?
Đại biểu Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp Quốc hội ngày 8-6. Ảnh: NGUYỄN NAM
ĐB Nguyễn Ngọc Phương cho rằng đây là phương án không khả thi khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nợ công tăng cao. Đó là chưa kể việc thu hồi đất một lần nhưng dự án mới triển khai giai đoạn I, lộ trình cho giai đoạn II phải 5-10 năm sau. Như vậy, việc thu hồi đất có dẫn đến lãng phí, có ngăn chặn được sự tái lấn chiếm của người dân hay không?
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) cho rằng giải phóng mặt bằng một lần là cần thiết, tạo nhiều thuận lợi cho triển khai dự án, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân. "Ý chí là một lẽ nhưng nguồn lực là lẽ khác, nhất là trong điều kiện kinh tế - xã hội những năm tới còn khó khăn. Chính phủ phải giải trình rõ, có phương án về nguồn kinh phí hỗ trợ, đền bù, ổn định cuộc sống người dân để QH yên tâm bấm nút thông qua" - bà Quyết Tâm đề nghị.
Giảm chi 1% có được 10.000 tỉ đồng
ĐB Phạm Minh Chính (Quảng Ninh), Trưởng Ban Tổ chức trung ương, cho rằng để có tiền triển khai bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho dự án này, một mặt cần xin cơ chế đặc thù, mặt khác phải tiết kiệm chi thường xuyên trên phạm vi cả nước.
Theo phân tích của Trưởng Ban Tổ chức trung ương, sau 2 năm triển khai Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì biên chế không giảm mà lại tăng. Cùng với đó, chi thường xuyên cũng tăng lên. "Con số tương đối năm 2015 là 62,3%, năm 2016 là 65,7%, dự kiến năm 2017 là 64,9%. Con số tuyệt đối năm 2016 tăng so với 2015 là trên 50.000 tỉ đồng, năm 2017 tăng so với 2015 là 114.000 tỉ đồng" - ông Phạm Minh Chính chỉ rõ.
Do đó, ông Chính cho rằng chỉ riêng năm 2017, chỉ cần giảm chi thường xuyên 1% sẽ tiết kiệm được trên 10.000 tỉ đồng và tiếp tục tỉ lệ trên trong năm 2018 sẽ có tiết kiệm được thêm hơn 10.000 tỉ đồng nữa. Chỉ cần 2 năm là có trên 20.000 tỉ đồng, đủ để giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành.
Bình luận (0)