Sáng 7-6, Quốc hội (QH) thảo luận về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu. Đại biểu đoàn Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) Nguyễn Văn Thắng cho rằng trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, nợ xấu phát sinh là tất yếu, còn cho vay còn nợ xấu. Trong đó, có những nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nặng nhất là xuất phát từ những cú sốc của nền kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng Chủ tịch NHTM Công Thương - Ảnh: Minh Quang
Tại Việt Nam, theo ông Thắng, nợ xấu phát sinh đột biến từ năm 2012 lên tới 17% tổng dư nợ. Nguyên nhân do khủng hoảng thị trường bất động sản, chứng khoán và nền kinh tế tăng trưởng nóng.
Ông Thắng cũng nêu nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn xấp xỉ 600.000 tỉ đồng chiếm 10,8% tổng dư nợ. "Việt Nam là quốc gia duy nhất có nợ xấu vượt 10% tổng dư nợ mà không có tổ chức tín dụng nào đổ vỡ, đó là sự cố gắng rất lớn. Trong khi các quốc gia có rất nhiều ngân hàng bị đổ vỡ" - ông Thắng nói.
Vị đại biểu Hà Nội cũng nhấn mạnh trong 600.000 tỉ đồng nợ xấu có tới 90% tiền của dân và chỉ 10% của ngân hàng. Bởi vậy, việc cấp bách xử lý, ban hành cơ chế đặc thù để bảo vệ cho người dân, người gửi tiền trong hệ thống. "Làm sao chúng ta phải vận hành đưa 600.000 tỉ đồng quay trở lại kinh tế, số tiền này đủ xây dựng được 3 sân bay Long Thành" - ông Thắng phát biểu.
Theo dự kiến, tổng mức đầu tư và nguồn vốn cho toàn bộ Dự án xây dựng sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) là 336.630 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014). Thảo luận tại QH tuần trước, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi tiền đâu để triển khai dự án. Chỉ ngay trong công tác giải phóng mặt bằng, Ủy ban Kinh tế của QH cũng chỉ ra rằng trong bối cảnh ngân sách còn rất khó khăn, Chính phủ cần tiếp tục làm rõ hơn các phương án huy động nguồn lực để thực hiện.
Bình luận (0)