Nếu tính đầy đủ toàn bộ dự án cổng chào và điểm dừng chân tỉnh Quảng Ninh thì tổng số vốn được huy động lên tới 368 tỉ đồng.
Mục đích của dự án, theo địa phương này, là nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Thật khó hiểu! Nếu gọi là biểu tượng thì Quảng Ninh đã có vịnh Hạ Long. Ưu thế quảng bá du lịch và văn hóa của di sản thiên nhiên thế giới, kỳ quan mới của thế giới này là vô đối, cần gì một công trình cổng chào bằng sắt thép vô hồn kia nữa, lại ngốn đến hàng trăm tỉ đồng?
Dù các khoản đầu tư được cho là sẽ thực hiện theo hình thức PPP (hợp tác công - tư), trong đó vốn ngân sách chiếm phần nhỏ nhưng trong thời buổi cần thắt lưng buộc bụng, tiền nào và tiền ai cũng là tiền, do đó sao tránh khỏi cảm giác tiếc xót.
Lãng phí hay không còn phải tranh luận nhưng Quảng Ninh nhất định phải hoành tráng nhất nước cái đã. Đó là điều đố ai cãi được!
Cũng không ngại tốn kém là Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia. Đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam này đã có nghị quyết xây “Đài tưởng niệm những người đã hy sinh khi xây dựng và quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia” (công trình truyền tải điện 500 KV Bắc Nam). Theo tổng công ty nói trên, đài tưởng niệm dự kiến được xây tại Pleiku (Gia Lai) với tổng vốn ban đầu 108 tỉ đồng nhằm tri ân 250 người đã tử nạn trong thời gian thi công đường dây (5-4-1992 đến 27-5-1994), qua 14 tỉnh - thành…
Thành ý chủ đầu tư của là đáng ghi nhận song quy mô dự án hoàn toàn không phù hợp. Những người đã nằm xuống chẳng hề đòi hỏi một công trình tốn kém đến vậy. Bản thân đường dây truyền tải điện lịch sử ấy đã là một đài tưởng niệm kỳ vĩ trong lòng người. Nếu xây đài tưởng niệm ở Gia Lai lại có khi phải xây tiếp ở những nơi khác vì công trình này đi qua rất nhiều tỉnh - thành. Và nếu ngành điện tưởng niệm được còn những ngành khác, như dầu khí, khai khoáng, y tế… thì sao? Nói chung, chẳng có lý do nào thuyết phục để đổ một số tiền quá lớn, không cần thiết vào một công trình thuần mang giá trị tinh thần như thế. Trong khi đó, giá bán điện lại tăng đều đặn qua từng năm…
Chỉ cần vài tỉ đồng để xây một nhà tưởng niệm vừa phải, ý nghĩa. Số tiền còn lại nên dành cho các công trình dân sinh dưới dạng công tác xã hội thuộc ngành điện. Thậm chí, có ý kiến đề xuất lấy 108 tỉ đồng ấy hỗ trợ 250 gia đình có người đã tử nạn, mỗi nhà được hơn 432 triệu đồng, thiết thực biết mấy!
Trong lúc thiên hạ còn đang lùng bùng lỗ tai trước những dự án hàng trăm tỉ thì tiếp tục nghe tin gây sốc khác: Bộ Giao thông Vận tải trình đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với tổng mức đầu tư gần 230.000 tỉ đồng. Trong lúc nợ công đang bời bời mà đọc thấy khoản chi như trên, ai cũng dễ choáng. Chợt nhớ, cố nhà thơ Kiên Giang từng đúc kết “Tiền không là lá em ơi/Tiền là giấy bạc của đời làm ra”. Quả đồng tiền là mồ hôi nước mắt, chứ có phải… lá mít đâu!
Bình luận (0)