Phóng viên Tuổi Trẻ mở rộng tìm hiểu ở các xã ven biển khác của huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). Người dân những nơi này đã cung cấp thêm những quyết định giao đất nuôi trồng thủy sản với đủ kiểu thời hạn quy định khác nhau.
Đầm tôm của ông Lương Văn Loãng phải bỏ hoang vì huyện Tiên Lãng không cho đầu tư - Ảnh: XUÂN LONG
Chuyện giao đất cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản không đúng thời hạn không chỉ xảy ra ở xã Vinh Quang. Ở các xã ven biển khác của huyện Tiên Lãng, Hải Phòng như Tây Hưng, Đông Hưng, Hùng Thắng, người dân cũng có những quyết định giao đất nuôi trồng thủy sản với đủ thời hạn khác nhau.
Có hộ được giao 4 năm, 12 năm, 14 năm, và nhiều hộ được giao 15 năm... nhưng không có ai được giao đúng thời hạn 20 năm theo quy định của Luật đất đai.
Huyện giao theo ý huyện
Quyết định giao đất cho gia đình ông Hoàng Văn Đỏ (xã Đông Hưng) có diện tích 2,8ha, được ký ngày 9-7-1993, hạn giao đất quy định đến 31-12-2005 là hết hạn, tức thời hạn giao đất chỉ có 12 năm 5 tháng. Theo các chuyên gia đất đai, với trường hợp giao đất trước thời điểm Luật đất đai 1993 có hiệu lực (từ ngày 15-10-1993) đều tính thời hạn bắt đầu từ 15-10-1993.
Như vậy, nếu tính đúng thời hạn giao đất nuôi trồng thủy sản đủ 20 năm của Luật đất đai 1993, phải đến 15-10-2013 diện tích đất được giao của gia đình ông Đỏ mới đến hạn thu hồi. Nhưng thực tế huyện Tiên Lãng vẫn buộc gia đình ông Đỏ dừng đầu tư sản xuất tại vùng nuôi trồng thủy sản khi hết hạn giao đất 12 năm 5 tháng theo quyết định của huyện.
Tương tự, tại xã Tây Hưng, gia đình ông Hoàng Văn Tin cũng được huyện Tiên Lãng ký quyết định giao đất từ ngày 31-1-1992, diện tích đất được giao là 23ha, thời hạn giao đất 15 năm, tức đến ngày 31-1-2007 sẽ thu hồi. Chưa hết hạn, cuối tháng 12-2006, huyện Tiên Lãng đã có thông báo yêu cầu gia đình dừng đầu tư sản xuất tại vùng nuôi trồng thủy sản được giao, và sau ba tháng kể từ ngày ra thông báo phải bàn giao lại diện tích kể trên. Một chuyên gia về Luật đất đai khẳng định khi Luật đất đai năm 1993 có hiệu lực, tất cả các trường hợp giao đất trước đó đều tính chung một thời hạn từ 15-10-1993, như vậy thời hạn giao đất của hộ gia đình ông Tin phải là 20 năm và hết hạn vào ngày 15-10-2013..., nhưng đến ngày 25-4-2007 huyện Tiên Lãng đã ra quyết định thu hồi.
Bất ngờ hơn là trường hợp giao đất cho ông Vũ Văn Luân, xã Hùng Thắng. Quyết định giao đất cho gia đình ông Luân có diện tích 12,5ha, được ký ngày 10-3-2000, tức là khi Luật đất đai 1993 đã có hiệu lực được gần tám năm... nhưng huyện Tiên Lãng vẫn chỉ giao đất cho ông Luân với thời hạn bốn năm và cũng đến hạn tháng 12-2004 huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi.
Theo ông Lương Văn Trong - phó chủ tịch Liên chi hội Nuôi thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, trong số 38 hội viên của năm xã ven biển huyện Tiên Lãng được giao đất nuôi trồng thủy sản thì mỗi người được giao đất một kiểu. “Ai may mắn thì được giao đất 15 năm, còn không chỉ giao vài năm hoặc hơn chục năm là đến hạn thu hồi. Không có ai được giao đất đủ 20 năm theo quy định của Luật đất đai nên gần như tất cả các hộ được giao đất bây giờ đều đã có quyết định thu hồi” - ông Trong nói.
Năm 2008, huyện Tiên Lãng thu hồi 25,3ha trên tổng số 30ha đất nuôi trồng thủy sản đã giao cho ông Lương Văn Trong từ năm 1992 và “cấm” gia đình đầu tư tiếp. gia đình ông Trong cố bám trụ bằng cách vớt rong bán kiếm sống qua ngày - Ảnh: X.LONG
Chủ đầm lao đao vì... huyện
Ngày 2-2, tiếp xúc với các chủ đầm tôm, người dân ở năm xã vùng ven biển của huyện Tiên Lãng thì gần như gặp ai là người đó than vãn khi nghe chúng tôi đề cập đến chuyện nuôi trồng thủy sản. Như lời họ trần tình thì gia đình nào có đất được giao nuôi trồng thủy sản trước đây đều lâm vào cảnh lao đao vì các quyết định thu hồi đất và “cấm” đầu tư tiếp vào hồ đầm nuôi tôm do huyện Tiên Lãng ban hành.
Trời se lạnh và mưa khiến tiết trời Tiên Lãng ngày 2-2 càng u ám hơn. Chỉ cần dừng xe ở các xã Vinh Quang, Đông Hưng, Tây Hưng, Hùng Thắng, thấy khách lạ là mọi người lại hỏi thăm: “Các chú về vì vụ ông Vươn à?”. Thậm chí có bà chủ quán nước ở bến xe Vàm Láng (xã Hùng Thắng) còn mạnh miệng: “Làm như thế khác gì đập nồi cơm, đẩy dân ra đường...”.
Trong cái u ám, ngột ngạt ngày đầu xuân như thế, ông Lương Văn Trong như quá bức xúc, muốn chúng tôi tận mắt chứng kiến “nỗi đau” của các hội viên nên vẫn nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm các đầm nuôi trồng thủy sản của xã Đông Hưng. Nhìn những đầm tôm mênh mông vắng tanh vắng ngắt, ông Trong nói: “Đâu chỉ ông Vươn, ông Luân, tất cả các chủ đầm ở năm xã ven biển huyện Tiên Lãng này đều đã nhận được các quyết định thu hồi đất, “cấm” đầu tư vào hồ nuôi của mình”.
Theo ông Trong, việc người dân mở mang, khai hoang đất đai nơi đầu sóng ngọn gió là thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khai hoang đất trống đồi trọc, lấn biển. Việc này vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa đóng góp cho xã hội. Bao nhiêu công sức, tiền của, thậm chí như nhà ông Vươn thì cả con, cháu còn bỏ mạng vì công cuộc khai hoang phục hóa đất đai... “Vậy mà nay UBND huyện chẳng coi luật pháp ra gì, chẳng có tình lý gì mà nỡ dồn chúng tôi vào bước đường cùng như thế” - ông Trong nói.
Trước đầm tôm rộng 6ha gần như đã hoang tàn, chủ đầm Lương Văn Loãng nói gần như khóc: “Từ cuối những năm 1980, bố tôi đã được huyện cho khai hoang lấn biển được 30ha. Đến năm 1992 bố tôi chia cho anh em chúng tôi và năm đó huyện cấp quyết định giao 6ha đầm này cho tôi trong thời hạn 15 năm, từ 1992-2007. Đến năm 2002 tôi quyết định mở mang, nên vay mượn, thế chấp sổ đỏ để đầu tư gần 20 tỉ đồng vào cải tạo đầm, quai đê, mua sắm máy móc... để sản xuất tôm giống, con giống thủy sản công nghiệp. Chưa ổn định gì thì năm 2005 một trận bão xóa sạch tất cả bao công sức, tiền bạc. Tôi lại phải đầu tư lại từ đầu để có đầm tôm như thế này”.
Vậy mà từ năm 2007, UBND huyện có quyết định và thông báo thu hồi đầm, “cấm” ông Loãng đầu tư tiếp. Từ đó đến nay hầu hết đầm bỏ hoang, không dám đầu tư làm lụng nữa. Cuối năm 2010, thấy bỏ hoang phí quá, nhà ông Loãng đánh liều đầu tư vào 2ha đầm làm con giống thủy sản và tôm giống công nghiệp. Kết thúc năm đó, sau khi trừ mọi chi phí đầu tư, công nghệ, nhân công, ông Loãng cũng lãi gần 2 tỉ đồng. “Nói thế để các anh biết 6ha đầm của tôi và cả ngàn hecta đầm của bao người dân trong năm xã này bị thua thiệt thế nào suốt từ năm 2007 khi huyện có quyết định thu hồi đất và “cấm” đầu tư” - ông Loãng chua chát.
Sẽ kết luận trước 15-2
Đó là khẳng định của ông Đan Đức Hiệp, phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vào chiều 2-2 về những vấn đề liên quan đến vụ cưỡng chế đất đai tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng đang gây bức xúc dư luận. Ông Hiệp cho biết TP Hải Phòng đã yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát toàn bộ quy trình giao, sử dụng và cưỡng chế đất, dựa trên kết luận thanh tra của Bộ Tài nguyên - môi trường để xem xét xử lý vụ việc một cách nghiêm túc, sai đến đâu xử lý đến đấy, không bao che.
Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do ông Nguyễn Duy Lượng, phó chủ tịch Trung ương Hội, làm trưởng đoàn, đã về xã Vinh Quang để tìm hiểu thông tin, nghe báo cáo của Hội Nông dân huyện Tiên Lãng về toàn bộ diễn biến dẫn đến sự việc xảy ra ngày 5-1.
Sau một ngày làm việc, thu thập thông tin ban đầu, ông Nguyễn Duy Lượng cho rằng mục đích thu hồi đầm của huyện Tiên Lãng là không rõ ràng. Ông Lượng khẳng định: “Việc giao đất 14 năm đến gần 20 năm theo luật là không đúng. Hiện xã, huyện cho đây là đất ven bãi, đất này chưa phải là đất nông nghiệp nhưng thực tế đất canh tác, sản xuất như đất nhà ông Vươn là đất nông nghiệp rồi”.
Sáng cùng ngày, Cơ quan điều tra Công an Hải Phòng đã triệu tập bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và bà Phạm Thị Hiền (vợ ông Quý) để thông báo hai bị can này quyết định mời luật sư nào thì chấp thuận luật sư ấy. Riêng việc chấp thuận luật sư bào chữa cho hai bị can Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý thì phải chờ ý kiến của hai bị can này.
THÂN HOÀNG |
Bình luận (0)